Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài 57,8km, đi qua tỉnh Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và tỉnh Đồng Nai (28,7km).
Dự án có tổng mức đầu tư là 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được chia thành ba đoạn với các hiệp định vay khác nhau. Đoạn phía tây dùng vốn vay ADB, đoạn 2 dùng vốn JICA và đoạn 3 phía đông dùng vốn ADB.
Theo VEC, đến nay các gói thầu đoạn phía đông (A5, A6, A7) đang thi công về đích. Cụ thể, gói thầu A5 cơ bản hoàn thành, gói thầu A7 đạt hơn 68%. Còn gói A6 sau khi đạt khối lượng gần 34%, nhà thầu ngưng thi công. VEC đã chấm dứt hợp đồng và đấu thầu thực hiện phần còn lại cho gói thầu này và các nhà thầu đã thi công đồng loạt trên công trường.
Trước đó, để sớm tái khởi động dự án, VEC đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trong đó, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn trong dự án cho phù hợp với các chủ trương đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, bổ sung vốn VEC huy động vào cơ cấu nguồn vốn dự án để được sử dụng nguồn tiền tích lũy từ các nguồn của VEC, nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hoàn thành công trình.
VEC đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 30-9-2025. Cùng với đó là gia hạn hiệp định vay JICA lần 2 đến ngày 31-12-2025 nhằm đảm bảo thời gian sử dụng vốn hoàn thành thi công gói thầu J1 (cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công 9 năm
Chín năm trước, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công với ước vọng trở thành con đường vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại của bà con các tỉnh miền Tây và miền Đông thay vì phải đi lòng vòng xuyên qua một loạt tuyến đường vốn đang quá tải ở TP.HCM.
Công trình ban đầu ước tính chỉ cần bốn năm thi công để hoàn thành nhưng rồi khựng lại... khi đã đạt 80%. Nguyên nhân, do có một số thay đổi về cơ chế chính sách dẫn tới dự án không được bố trí vốn, không điều chỉnh được dự án nên phải dừng thi công.
Vào tháng 3-2023, phóng viên Tuổi Trẻ Online trở lại công trường ghi nhận dự án cao tốc hơn tỉ USD đang hoang phế, mất cắp thiết bị. Sau loạt bài, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp vào thị sát tuyến cao tốc để có phương án tháo gỡ cho công trình sớm hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận