
Thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông được treo trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Điển hình như việc điều chỉnh giao thông tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), khu vực vòng xoay An Sương (quận 12), vòng xoay Liên Phường (TP Thủ Đức)... Các chuyên gia về giao thông đánh giá đây là "giải pháp mềm" giúp giảm xung đột, ùn tắc một số điểm có tình trạng giao thông phức tạp và trước mắt ít tốn kém kinh phí.
Đường một chiều thành hai chiều, phân luồng giao lộ
Ngày 21-2, ghi nhận một số khu vực vừa điều chỉnh, tổ chức giao thông, đóng giao lộ như các giao lộ dọc tuyến Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); ngã tư Bảy Hiền, giao lộ Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu (quận Tân Bình); Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh)... cho thấy đã phát huy hiệu quả trong việc giảm ùn ứ.
Điển hình như đường Nguyễn Thị Minh Khai đi qua hai quận trung tâm của thành phố là quận 1 và quận 3, giao cắt với nhiều tuyến đường. Trong đó, đoạn từ Trương Định đến Phùng Khắc Khoan dài hơn 1km là đường một chiều.
Cuối tháng 10-2024, cơ quan chức năng đã tổ chức giao thông đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn đường từ Huyền Trân Công Chúa đến Trương Định từ một chiều thành hai chiều cho các loại xe. Đoạn này chỉ khoảng 200m, nhưng khi cho xe chạy hai chiều đã giảm đáng kể áp lực giao thông cho các tuyến xung quanh.
Sau khi điều chỉnh, xe cộ từ đường Nguyễn Thị Minh Khai (hướng quận 1 đi quận 3) có thể rẽ phải vào Trương Định để đi đến đường Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, thay vì phải đổ dồn qua Lê Quý Đôn như trước đây, tăng thêm áp lực cho tuyến đường này.
Từ kết quả trên, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đưa vào thí điểm nhóm "giải pháp mềm" tùy từng vị trí.
Trong tháng 2 này, TP.HCM cũng điều chỉnh giao thông tại 8 khu vực khác ở quận Tân Bình và quận Gò Vấp. Cụ thể là giao lộ Hoàng Văn Thụ - Út Tịch, giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót, giao lộ Trường Chinh - Hoàng Hoa Thám, đường Bạch Đằng...
Thận trọng chọn giải pháp phù hợp
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông công chánh TP.HCM) cho biết ngoài các giải pháp về nâng cấp, mở rộng đường, tăng cường xử lý vi phạm, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành... thì việc tổ chức, phân luồng giao thông được nghiên cứu, áp dụng trong thời gian qua và sắp tới.
Đại diện trung tâm cũng cho biết trước khi thực hiện đã theo dõi, đánh giá tình hình giao thông tại khu vực điều chỉnh và khu vực lân cận và đo đếm lưu lượng, phân loại các loại xe (xe máy, ô tô con, xe taxi, xe khách, xe tải) để thu thập thông tin.
Tiếp đó đưa ra các phương án đề xuất (bao gồm bản vẽ, thuyết minh) nhằm hạn chế tai nạn giao thông, tăng khả năng lưu thông xe và giảm nguy cơ ùn tắc giao thông... Trường hợp phức tạp sẽ chạy mô phỏng giao thông bằng phần mềm. Sau đó lấy ý kiến các đơn vị liên quan... trước khi thực hiện.
"Sau thực hiện, chúng tôi cùng cảnh sát giao thông phải theo dõi sát sao tình hình giao thông trong vòng 7 ngày, 10 ngày hoặc 1 tháng... để báo cáo về sở", vị này nói.
Trường hợp phương án có những điểm chưa phù hợp, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi và đánh giá hiệu quả để đề xuất Sở Giao thông công chánh TP.HCM xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với tình hình giao thông thực tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, việc áp dụng các giải pháp mềm là cần thiết và cần tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các điểm kẹt xe khác của TP.HCM.
Ngoài các cơ quan chuyên môn của Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng cần huy động cán bộ tại các trường đại học vì họ có quá trình học tập, nghiên cứu về vấn đề này rất nhiều. Các điểm cần điều chỉnh tổ chức giao thông có rất nhiều, được chia thành nhiều dạng khác nhau như khu vực trường học, bến xe, sân bay, cầu vượt, ngã tư...
Cũng theo ông Hoàng, ngoài bức tranh tổng thể thành phố đang xây dựng hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt... thì các vấn đề "nhỏ nhưng không nhỏ" như điều chỉnh tổ chức giao thông từng điểm cho phù hợp cũng rất cần được quan tâm vì nó góp phần lớn trong việc giảm ùn tắc.

Từ ngày 22-2, tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương, quận 5, sẽ điều chỉnh không cho phép xe đi thẳng từ đường Trần Hưng Đạo qua giao lộ (hướng từ Trần Phú đến An Bình).
Nhiều xe máy khi đến giao lộ đã "làm quen" bằng việc chọn rẽ phải về hướng cầu Nguyễn Tri Phương, đi bên hông cầu, quay đầu bên dưới cầu rồi rẽ phải lại vào đường Trần Hưng Đạo. Còn ô tô chọn các hướng thay thế rẽ sang đường Trần Phú, đi các đường vòng để ra đường Trần Hưng Đạo.
Chị Thái Thị Thùy Trang, ngụ quận 5, cho biết khu vực này trước nay thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm do lượng xe qua lại đông. Xe đang đi thẳng trên đường Trần Hưng Đạo đến giao lộ phải dừng chờ dòng xe đổ dốc cầu Nguyễn Tri Phương mới đi tiếp được.
Do đó khi không cho xe máy đi thẳng, tuy phải đi vòng nhưng chị Trang vẫn rất ủng hộ vì sẽ giảm xung đột ở giao lộ, giảm kẹt xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận