11/10/2013 07:11 GMT+7

Nhiều giải pháp cứu Vinashin

LÊ THANH thực hiện
LÊ THANH thực hiện

TT - Ngày 10-10, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Vinashin đã họp báo công bố việc phát hành trái phiếu quốc tế có bảo lãnh Chính phủ để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD nợ nước ngoài của Vinashin.

xaqKZFTK.jpgPhóng to
Tổng công ty tàu thủy công nghiệp Phà Rừng (thuộc Vinashin) hạ thủy tàu Inlaco Express ngày 6-9-2011 - Ảnh: T.Phùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp cứu Vinashin nhân sự kiện này, ông Phạm Thanh Quang, tổng giám đốc DATC - đơn vị được giao xử lý nợ xấu của Vinashin, cho biết: “Việc cứu một doanh nghiệp sắp chết là cực kỳ khó khăn, ngoài việc xử lý nợ xấu, chúng ta phải bơm tiền vào, củng cố bộ máy, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp...Về quan điểm, nếu doanh nghiệp nào có tình hình tài chính bê bết, không thể tái cơ cấu thì buộc phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho giải thể hoặc phá sản”.

VAMC mua thêm 1.300 tỉ đồng nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch thường trực hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VN (VAMC), cho biết hôm nay (11-10) VAMC sẽ ký hợp đồng mua thêm 1.300 tỉ đồng nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và một ngân hàng khác tại TP.HCM. Số nợ xấu mà VAMC ký hợp đồng mua lần này liên quan đến nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất.

A.H.

* Với hơn 200 doanh nghiệp thuộc Vinashin, có bao nhiêu đơn vị sẽ được cứu?

- Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, số doanh nghiệp mà nhà nước chiếm 100% vốn tại Vinashin khoảng 70 đơn vị. Nhà nước sẽ xem xét tái cơ cấu số doanh nghiệp này trên tinh thần phải giữ lại tài sản cho Nhà nước. Ngoài ra, có khoảng 70 doanh nghiệp gắn mác Vinashin nhưng Nhà nước không có đồng vốn nào thì việc xử lý rất dễ. Đó là cứ để các doanh nghiệp đó tự cơ cấu lại chính mình.

* Xử lý nợ xấu của Vinashin bằng cách nào?

- Nguồn lực cũng không cần quá nhiều tiền. Trước mắt, chúng tôi sẽ lấy tiền từ nguồn vốn chủ sở hữu của DATC để mua lại một số khoản nợ của ngân hàng. Có một số chủ nợ có thể bán rất rẻ, chỉ 30% trở lại. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ can thiệp để các khoản nợ được kéo dài thời hạn trả nợ, lãi suất cho vay cũng giảm nhiều so với hợp đồng...

Có thể nói rất nhiều doanh nghiệp chết vì lãi suất vay quá cao, vốn tự có ít nhưng vay nhiều. Không ít doanh nghiệp nợ nhiều, với số nợ lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng do đầu tư quá sức mình.

* Mua lại nợ của Vinashin, DATC có mạo hiểm?

- Các khoản nợ được DATC mua lại chỉ bằng 20-30% giá trị. Thực tế, nhiều chủ nợ như ngân hàng cũng muốn thoát nợ để họ có nguồn tiền đầu tư. Còn việc cơ cấu nợ này phải trong nhiều năm, ít nhất là ba năm mới có tín hiệu tốt.

* Sau khi mua nợ, DATC sẽ làm thế nào để thu hồi vốn?

- Có rất nhiều cách. Chẳng hạn tại một số doanh nghiệp, tàu đã đóng rồi, đang nằm đó thì chúng tôi sẽ tìm khách hàng để cho thuê, bán lại với giá hợp lý. Thậm chí phải tính đến cả phương án bán rẻ, bán chịu còn hơn cứ để tàu nằm đắp chiếu ở đó mà hỏng dần.

Thật ra, cái khó nhất khi tái cơ cấu một doanh nghiệp là con người. Để thay đổi chất một doanh nghiệp thì phải có người quản lý tâm huyết và có năng lực thật sự, chứ không phải cứ bơm tiền vào là cứu được doanh nghiệp.

* Cơ cấu nợ Vinashin dự kiến sẽ mất trong bao lâu, thưa ông?

- Tôi hi vọng năm nay sẽ cơ cấu khoảng hơn chục doanh nghiệp nhà nước nắm 100%, còn đối với doanh nghiệp cổ phần thì xử lý được đáng kể. Theo kế hoạch, việc tái cơ cấu nợ xấu Vinashin sẽ cơ bản hoàn tất trong năm 2014.

Tôi cũng xin nói tái cơ cấu nợ cho một doanh nghiệp không phải chỉ là bơm tiền vào để xử lý tài chính. Đối với cơ cấu Vinashin, ngoài việc cứu doanh nghiệp này, nó còn giúp giảm thiệt hại cho nền kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng khi kinh tế phục hồi, ngành đóng tàu sẽ phát triển mạnh. Do vậy, chúng ta không thể nghĩ doanh nghiệp không mang lại lợi nhuận thì sẽ cho giải thể ngay. Thêm nữa, việc cứu doanh nghiệp là tạo việc làm và thu nhập cho người lao động nhằm ổn định xã hội chứ không phải cứu cá nhân nào đó trong doanh nghiệp.

Phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu

Vào 20g ngày 10-10 (9g sáng tại New York), Vinashin và Công ty DATC cùng các bên tư vấn và Ngân hàng CitiBank đã thực hiện cuộc điện đàm cuối cùng với Trung tâm lưu ký chứng khoán tại New York, chính thức xác nhận việc phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu do DATC phát hành có bảo lãnh Chính phủ để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của Vinashin, do Ngân hàng Credit Suisse làm đại lý và ngân hàng thu xếp.

Theo Vinashin, tại hội nghị chủ nợ tổ chức ở Singapore ngày 5-8-2013, Vinashin đã được sự chấp thuận của 64,7059% số chủ nợ đại diện cho 79,3460% số nợ biểu quyết thông qua thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đề xuất. Trên cơ sở kết quả đó, ngày 4-9-2013 tòa thượng thẩm Tòa án London (Anh) đã ra phán quyết phê chuẩn thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đệ trình. Với phán quyết trên, hợp đồng vay cũ sẽ không còn hiệu lực và tất cả chủ nợ phải chấp thuận thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng của Vinashin. Theo thỏa thuận, các nghĩa vụ của Vinashin theo hợp đồng vay cũ sẽ được hoán đổi lấy trái phiếu do DATC phát hành có thời hạn 12 năm, lãi suất đơn 1%/năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn.

TUẤN PHÙNG

LÊ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên