Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án chậm tiến độ trong quy hoạch điện - Ảnh: TTO
Bộ Công thương vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII.
Theo đó, quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành, chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án.
Trong đó có 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện và 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện hạt nhân.
Cụ thể, sẽ đưa vào vận hành tổng cộng 21.651 MW giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW.
Giai đoạn đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 96.500 MW và đưa vào vận hành 38.010 MW; giai đoạn đến năm 2030 tổng công suất là 129.500 MW, đưa vào vận hành 36.192 MW.
Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỉ kWh, phương án cao là 245 tỉ kWh, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tương ứng là 10,34%/năm và 11,26%/năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung ứng điện.
Từ năm 2021 sẽ bắt đầu thiếu điện
Các năm 2019 - 2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó nhiệt điện than là 2.488 MW, nhà máy thủy điện là 592 MW, còn lại là dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW.
Mặc dù có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc, nhưng Bộ Công thương cho biết nguồn điện chạy dầu vẫn phải huy động với sản lượng 1,7 tỉ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh năm 2020.
Nguy cơ thiếu điện đặt ra cho năm 2020 nếu các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành và không đảm bảo đủ nhiên liệu.
Bộ Công thương cũng cho biết thêm là đến năm 2021 - 2025 mặc dù phải huy động tối đa nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện miền Nam.
Cụ thể, với mức thiếu hụt điện năng dự báo khoảng 3,7 tỉ kWh năm 2021 và lên gần 10 tỉ kWh năm 2022; mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ năm 2025.
Trong khi đó, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016 - 2030, dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với dự kiến hơn 15.200 MW. Nhiều dự án chậm tiến độ và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.
Nhiều dự án điện chậm tiến độ
Các dự án chậm tiến độ có thể ảnh hưởng đến cấp điện miền Nam như dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; dự án nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ, có thể lùi sau năm 2030; dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.
Các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú 1, Sông Hậu 1 đến nay đã chậm tiến độ 2 năm, các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT, những dự án đang trong quá trình đàm phán như Sơn Mỹ 1, Sông Hậu 3, Long Phú 2, Nam Định 1, Quảng Trị 1… còn tiềm ẩn rủi ro lớn về tiến độ; nhiều dự án lớn chưa xác định được chủ đầu tư như Long Phú 3, Quỳnh Lập 2…
Chưa kể, việc cấp nguyên liệu tiềm ẩn rủi ro. Đơn cử như cấp than cho điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả khối lượng, chủng loại. Một số dự án chưa rõ phương án vận chuyển than như Long Phú 2, Sông Hậu 2; cung cấp khí cũng thiếu hụt khoảng 2-3 tỉ m3/năm đến năm 2023-2024 và tăng lên 10 tỉ m3 năm 2030.
Ngoài ra là các yếu tố khác như đường dây 500 kV mạch 3 bị chậm tiến độ gần 1 năm, hệ thống nguồn điện không có vận hành ổn định…
Nghiên cứu phương án mua điện từ Lào và Trung Quốc
Một số giải pháp được Bộ Công thương tập trung đảm bảo cung cấp điện như đẩy nhanh việc khai thác thêm các mỏ bổ sung nguồn khí; có cơ chế thích hợp như bao tiêu khí, bao tiêu điện để đẩy sớm tiến độ các nhà máy.
Đảm bảo tiến độ các dự án khí; nghiên cứu phương án tăng cường mua điện từ Lào và Trung Quốc; các giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải; sớm hướng dẫn Luật quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận