Lao động nước ngoài tại một dự án khai thác dầu khí có vốn của PVN tại Algeria - Ảnh: PVN
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng có thông tin lại về một số dự án không hiệu quả, qua việc nói về rủi ro đầu tư trong ngành dầu khí.
Không phải tiền hoa hồng
Trong thông tin gửi đi ngày 21-3, cho rằng đang có những cách hiểu sai về khoản tiền được gọi là "Participant Bonus", hoặc có cách gọi khác là "Signature Bonus" khi cho rằng đây là "tiền hoa hồng". Thực chất đây là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí.
"Khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng... Khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế" - PVN cho hay.
Dẫn chứng thực tế, PVN cho biết các công ty nước ngoài đầu tư vào khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD.
Đối với dự án Junin 2 do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN làm chủ đầu tư, tập đoàn này cho biết khoản phí tham gia dự án này là 584 triệu USD và phải chuyển ngay 300 triệu USD.
PVN thông tin thêm đây là dự án đã được quốc hội nước này thông qua và quyết định nếu dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế cao, thì bất luận lý do gì vẫn sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam.
Nhiều dự án không hiệu quả
Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng liên quan việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), Bộ Công thương cho hay trong số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN/PVEP có 11 dự án thua lỗ, nguy cơ lỗ.
Theo PVN, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí hết sức rủi ro khi tính giá trung bình mỗi mũi khoan thăm dò khoảng 20 triệu USD. Bởi vậy chỉ cần vài mũi khoan "trượt" có thể "nướng" cả trăm triệu USD. Thực tế tại Việt Nam suốt 50 năm qua có hơn 100 mỏ được phát hiện, nhưng cũng chỉ có khoảng 38 mỏ được đưa vào khai thác.
Dẫn câu chuyện khai thác mỏ Sông Đốc cách mũi Cà Mau khoảng 205km về phía tây nam có các nhà thầu Talisman (Canada) và Petronas Carigali Overseas (Malaysia), sau 5 năm vận hành và khai thác không mang lại hiệu quả như mong muốn, PVN cho hay các bên đã bàn giao lại mỏ này cho Chính phủ Việt Nam từ cuối năm 2013.
Chi tiền khi chưa được cấp phép đầu tư?
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, tại một số dự án của PVN phức tạp hơn nhiều. Về dự án Junin 2 ở Venezuela, đây là dự án đã được cảnh báo về tính hiệu quả trong đầu tư, nhưng các bên liên quan vẫn triển khai thực hiện để cuối cùng phải dừng triển khai vào năm 2013.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án, nhưng ngoài 1,241 tỉ USD tiền đầu tư còn tiền hoa hồng dự án là 584 triệu USD, nên bộ này cho rằng phải thống nhất ghi tổng mức đầu tư đầy đủ là 1,825 tỉ USD.
Như vậy, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư này do Quốc hội phê duyệt. Cơ quan Quốc hội đã yêu cầu nếu sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên, Chính phủ phải trình Quốc hội. Sau đó, Chính phủ có báo cáo điều chỉnh phần vốn góp của PVN, giảm từ 956 triệu USD còn 547 triệu USD, tức chỉ còn chiếm 29,9%.
Đồng thời, với văn bản đồng ý của Thủ tướng, PVN đã ký hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh lô Junin 2.
Một văn bản góp ý khác của Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị làm rõ thêm rủi ro, khi tổng số tiền 1,8 tỉ USD thực hiện dự án có tới 1,278 tỉ USD là vốn vay.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng và khẳng định đây là dự án thuộc diện trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tại thời điểm đó do đã thành lập liên doanh nên PVN thanh toán tiền phí tham gia hợp đồng, trong khi Bộ Kế hoạch và đầu tư đang thẩm định dự án để cấp giấy phép.
PVN cần giải thích rõ hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Dũng - nguyên trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng dù là tiền phải trả cũng cần đánh giá lại số tiền lên tới 584 triệu USD mà PVN đã đồng ý trả cho chủ nhà.
Số tiền chi ra để được thực hiện dự án chiếm tới 40% tổng mức đầu tư thì không thể không đánh giá tính hiệu quả. "Đó không phải là tiền lại quả, tiền hoa hồng, nhưng PVN cần giải thích rõ hơn tại sao số tiền được xem là phí ban đầu mà lại lớn đến như vậy?" - ông Dũng đặt vấn đề.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cũng đã có văn bản gửi PVN yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu khí Junin 2 tại Venezuela.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận