Sau nhiều ngày ồn ào, với nhiều thông tin giá căn hộ ở Hà Nội vẫn tăng, khác hẳn với bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nay mọi thứ đã rõ mười mươi. Nhiều người nói cuộc kích giá lần này đã thất bại.
Ghi nhận tại một số dự án đang mở bán đến chung cư đã sử dụng hơn 10 năm nay ở Hà Nội, giá đã giảm nhiệt, không còn cảnh rao bán bát nháo, kích giá bất động sản trên mạng xã hội như vài tháng trước.
Theo chị Phương Thanh (môi giới nhà đất ở huyện Hoài Đức), đang bán hai dự án chung cư ở huyện Hoài Đức và quận Thanh Xuân, "nếu tính theo lãi suất ngân hàng thì giá tại dự án của tôi đang bán không tăng nhiều so với thời điểm cuối năm 2023".
Nữ môi giới nhà đất này cho rằng đối với nhà tập thể hay chung cư cũ rao bán tăng đến mấy chục phần trăm như mấy tháng qua một phần do "thổi giá".
Trong khi đó, môi giới P.V.Đ., bán hàng cho nhiều doanh nghiệp bất động sản ở quận Nam Từ Liêm, cũng thừa nhận giá nhà chung cư thời điểm này đã chững lại: "Sau khi có một số ít người sốt ruột trước thông tin giá căn hộ vẫn tăng, đã xuống tiền đặt cọc để mua dự án thì giá đã giảm nhiệt. Có thể do chính sách bán hàng của chủ đầu tư muốn giá sát thị trường vì nếu ở vùng ven mà 70 - 80 triệu đồng/m2 thì sẽ không vừa túi tiền của người dân".
Đáng chú ý, vài tuần trước cư dân mạng "bóc phốt" một nữ môi giới bất động sản rao bán một chung cư 104m2 ở đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) với giá hơn 5,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, bất ngờ là cũng là căn chung cư này nhưng lại được một tài khoản Facebook khác rao với giá hơn 6,8 tỉ đồng.
Phóng viên Tuổi Trẻ gọi theo số điện thoại của môi giới để lại thì bất ngờ nhận được phản hồi: "Tôi không làm nghề môi giới nhà đất. Họ tự tiện đăng số điện thoại của tôi lên đó".
Cần nhắc lại đã từng diễn ra nhiều vụ kích giá thành công ở phía Nam đã để lại hậu quả cho người xuống tiền vì lỡ ôm hàng giá cao.
Với người có đất chưa vội bán thì ngậm ngùi và cứ mãi luyến tiếc mức giá cao chưa từng có, nhưng thật ra là giá "thổi". Nhưng mức giá thổi này đã trở thành giá "tham chiếu" cho việc định giá, dù không có giao dịch.
Như dự án sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) từ khi cấp chủ trương đầu tư đến nay đã 10 năm, qua các lần làm lễ động thổ, lễ "bàn giao mặt bằng"... nhưng vẫn lỗi hẹn. Các vùng đất ven dự án, đặc biệt là xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) từ vùng khô cằn ăn theo dự án được thổi giá "chóng mặt".
Có thời điểm, nhất là giai đoạn trước dịch COVID-19, nhiều người từ khắp nơi đổ về trung tâm xã Thiện Nghiệp "săn đất" nhộn nhịp. Một số môi giới đất tại Phan Thiết chia sẻ hiện nhiều chủ đất chấp nhận bán lỗ vẫn không có đầu ra.
Tương tự, tại Bình Phước vào tháng 2-2021 khi có thông tin khảo sát để đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản trên cơ sở mở rộng sân bay Técníc, giới đầu cơ và cò đất từ TP.HCM, Hà Nội... dùng nhiều thủ thuật để "thổi" giá đất tại đây.
Họ gom các mảnh đất nông nghiệp rồi phân lô tầm 1.000m2, bán giá từ 700 - 900 triệu đồng/lô. Có lúc hàng trăm người đi ô tô từ nhiều tỉnh thành đến Hớn Quản hỏi mua đất tạo ra "cơn sốt", giá đất tăng gấp nhiều lần chỉ sau vài ngày.
UBND huyện Hớn Quản đã phải ra văn bản yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc chấn chỉnh. Nhờ vậy, "sốt đất" hạ nhiệt.
Những khu vực trước đây lên cơn sốt đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu nay cũng trầm lắng. Đầu năm 2020, một cơn sốt đất cục bộ xảy ra tại huyện Châu Đức khi người ta đồn kháo nhau rằng một tập đoàn lớn sẽ đầu tư khu đô thị cao cấp tại xã Bình Ba.
Dòng người, dòng xe hơi kéo nhau đến kín quốc lộ 56. Giao dịch bất động sản tăng lên. Chính quyền đã phải cắm biển cảnh báo "không có dự án".
Thực tế đến nay vẫn chưa có dự án đô thị cao cấp nào tại xã này. "Nếu ngày trước giao dịch bất động sản tại đây 10 phần thì nay chỉ còn 5", một lãnh đạo UBND huyện Châu Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận