Đồng tiền của nhiều nước châu Á đang mất giá vì những bất ổn hiện nay - Ảnh: NIKKEI ASIA
Theo báo Nikkei Asia, các nhà đầu tư đã giảm nắm giữ nhiều đồng tiền châu Á khác nhau như won (Hàn Quốc), baht (Thái Lan) hay yen (Nhật Bản) trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.
Nhiều người đã chọn mua trữ USD vì tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị nâng lãi suất khi đại dịch COVID-19 dịu bớt.
Dự đoán này đã tạo ra cơn địa chấn tác động lên nhiều đồng tiền của châu Á. Giá trị đồng yen so với USD đã giảm khoảng 3% trong tháng 9 vừa qua. Có thời điểm, yen đã chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi 114,69 yen đổi 1 USD.
Tương tự, đồng tiền của Hàn Quốc và Thái Lan cũng "lao dốc" trong tỉ giá hối đoái so với các đồng tiền mạnh khác vài tuần trở lại đây. Độ mạnh của cả hai đồng tiền này đều đang thấp hơn hẳn so với đầu năm.
Cụ thể, giá trị đồng won so với USD đã giảm 8% từ đầu năm tới nay, trong khi baht giảm hơn 10%.
Đồng tiền mất giá đang tạo ra gánh nặng lạm phát, buộc một số quốc gia phải nỗ lực triển khai các chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nước đã nỗ lực bơm thanh khoản nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Điển hình, Ngân hàng Trung ương Singapore khiến giới quan sát bất ngờ khi công bố siết chính sách tiền tệ trong tháng này. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây Singapore siết chính sách tiền tệ. Cả Hàn Quốc và New Zealand đều đã thực hiện cách làm tương tự.
Dù nhiều chính phủ nỗ lực trấn an nhà đầu tư, giá nhiên liệu như than đá, khí đốt và dầu thô tăng lên vẫn khiến tình hình thêm căng thẳng.
Một trong những trở ngại khác cho các đồng tiền của châu Á là triển vọng tăng trưởng đáng lo của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm xuống còn 4,9% trong quý 3-2021.
Thị trường bất động sản không còn phát triển rầm rộ, cũng như tình trạng thiếu năng lượng buộc các nhà máy phải ngừng sản xuất, được xem là những lý do chính ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận