Đầu tháng 12-2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra thực tế tại sông Tô Lịch, qua đó giao Sở Xây dựng đến tháng 9-2025 phải hoàn thành hệ thống bổ cập nước từ sông Hồng cho sông Tô Lịch.
Nhiều chuyên gia ngành thủy lợi - môi trường cho rằng ngoài thu gom, xử lý nước thải, việc đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch qua hồ Tây bằng hệ thống đường ống ngầm là một giải pháp đột phá.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại bốn dòng sông nội đô nói trên cho thấy tình trạng ô nhiễm đang diễn ra rất nghiêm trọng, có khu vực bùn thải bồi lắng cả mét. Đáng chú ý, hằng ngày những cửa cống lộ thiên vẫn xả nước thải đô thị ra dòng sông.
Một số người dân cho hay họ kỳ vọng sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét sẽ sớm được "giải cứu", dần hồi sinh.
Tại kỳ họp 20 HĐND TP Hà Nội, trong phiên trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết theo quy hoạch, nước thải sông Tô Lịch, sông Lừ, Sét, Kim Ngưu được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Tuy nhiên, sau khi nước thải được thu gom thì nước bổ cập cho bốn dòng sông này không còn nữa. Chính vì vậy lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với một số sở, ngành triển khai bổ cập nước cho bốn dòng sông này.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thành Nam cho hay các giải pháp tổng thể cải thiện môi trường nước bốn dòng sông cơ bản đã hoàn chỉnh. Về giải pháp kỹ thuật là thu gom triệt để nước thải ở các dòng sông và cùng với đó là giải pháp cải thiện môi trường nước, đặc biệt là bổ cập nước duy trì dòng chảy để dòng sông tự làm sạch.
Những dòng sông đang chờ cứu ở Hà Nội:
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sông Tô Lịch (ảnh dưới) dài 14,6km, sông Kim Ngưu (ảnh trên) dài 7,7km là hai nhánh sông bao quanh TP Hà Nội, nằm trong quy hoạch tiêu thoát nước của TP, hợp lưu tại thôn Văn, xã Thanh Liệt và đổ vào sông Nhuệ (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy là lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Nước thải sinh hoạt là nguồn ô nhiễm lớn nhất đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chiếm tỉ lệ hơn 65% trong tổng lượng nước xả vào lưu vực
Sông Tô Lịch chảy dưới chân cầu vượt Láng Hạ (thuộc địa phận quận Cầu Giấy và quận Đống Đa) - một địa danh thân thuộc với nhiều người dân thủ đô. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm cống lộ thiên vẫn xả nước thải đô thị xuống dòng sông Tô Lịch. Theo quy hoạch, nước thải sông Tô Lịch sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tuy nhiên nhà máy xử lý nước thải này lại mới xin lùi tiến độ
Sông Lừ đen đặc chảy qua nhiều khu dân cư ở quận Hoàng Mai
Người dân quận Hoàng Mai tập thể dục bên dòng nước sông Sét đen kịt
Sông Kim Ngưu và những nguồn thải đang đổ trực tiếp ra dòng sông này
Sông Tô Lịch "chờ cứu" vì nhà máy xử lý nước thải Yên Xá mới xin lùi tiến độ
Trước đó như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 10-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP, trong đó có dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Nội dung nghị quyết điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ hơn 16.000 tỉ đồng xuống hơn 11.100 tỉ đồng, giảm hơn 5.000 tỉ đồng. Hà Nội cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2027, kéo dài thêm 2 năm so với chủ trương thực hiện ban đầu. Nghị quyết sau khi được HĐND TP Hà Nội thông qua, UBND TP Hà Nội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận