Hình ảnh một xe bốc cháy dữ dội được chia sẻ trên Twitter sáng 3-1 khi nói về việc Mỹ không kích các mục tiêu ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq - Ảnh: Twitter
Đến thời điểm này, nhiều nước đã có quyết định về việc rút hay không rút quân khỏi Iraq sau vụ Mỹ không kích tiêu diệt tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của lực lượng Vệ minh cách mạng Hồi giáo Iran, kéo theo lo ngại Iran sẽ trả đũa.
Theo Hãng tin AFP ngày 7-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington không có ý định rút binh lính khỏi Iraq. Hiện đang có 5.200 lính Mỹ đóng quân tại Iraq và là đội quân lớn nhất trong liên minh quốc tế đang chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực.
"Tại một số thời điểm chúng tôi muốn rút quân, nhưng không phải lúc này" - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết.
Trong khi đó, tham mưu trưởng lực lượng quốc phòng Canada, tướng Jonathan Vance, ngày 7-1 cho biết sẽ tạm thời điều khoảng 500 quân nhân nước này đang đóng tại Iraq sang Kuwait vì lý do an toàn.
"Tình hình tại Iraq rất phức tạp nên tốt nhất chúng tôi tạm dừng công việc ở đó để tập trung vào an toàn và an ninh của binh sĩ" - ông Vance nói.
Tương tự, Đức cũng tạm rút một số binh sĩ trong 120 quân đang đóng ở Iraq khỏi nước này. AFP cho biết 32 binh sĩ Đức đang đóng tại Camp Taji gần Baghdad sẽ bay đến căn cứ không quân al-Azraq ở Jordan và 3 binh sĩ khác sẽ đến Kuwait.
Dù vậy, một nguồn tin từ chính phủ Pháp nói với Hãng AFP rằng Paris không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Hiện đang có khoảng 200 binh lính Pháp trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS. Trong số này có 160 binh sĩ đang làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho binh lính Iraq.
"Ưu tiên hôm nay cũng giống như hôm qua và tương tự ngày mai: cuộc chiến chống IS và sự hồi sinh của tổ chức khủng bố này ở Trung Đông và tuyên truyền của IS trên Internet" - Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly viết trên Twitter.
Bộ Quốc phòng Ý cũng thông báo vẫn duy trì sự hiện diện của 1.000 binh sĩ nước này tại Iraq sau cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ý Lorenzo Guerini và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Truyền thông Ý dẫn nguồn tin cho biết "vài chục" binh sĩ Ý đã được chuyển khỏi một trung tâm quân sự gần đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq.
Một quan chức NATO cũng thông báo điều một số sĩ quan huấn luyện quân sự khỏi Iraq nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể. Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Hungary, ông Tibor Benko, cho biết binh sĩ Hungary tại Iraq đã sẵn sàng sơ tán "nếu cần thiết" nhưng họ vẫn sẽ ở lại, trừ khi có lệnh rút quân chính thức.
Tỉ lệ ủng hộ ông Trump vẫn ổn định
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp với Thủ tướng Hi Lạp Kyriakos Mitsotakis tại phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ngày 7-1 - Ảnh: REUTERS
Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất (ngày 6 và 7-1) của Reuters/Ipsos cho thấy ngày càng có nhiều người trưởng thành ở Mỹ không tán thành cách giải quyết vấn đề Iran của Tổng thống Donald Trump sau khi ông ra lệnh không kích giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran.
Theo đó có 53% người trưởng thành ở Mỹ không đồng ý về cách ông Trump giải quyết Iran, tăng 9 điểm % so với một cuộc thăm dò tương tự diễn ra giữa tháng 12-2019.
Cũng theo cuộc thăm dò trên, tỉ lệ ủng hộ ông Trump vẫn ổn định sau cuộc không kích tiêu diệt tướng Iran, với 41% ủng hộ và 54% không ủng hộ. Ngoài ra, hiện tại người Mỹ cũng quan tâm hơn về nguy cơ nổ ra chiến tranh với Iran.
Một cuộc thăm dò khác của Reuters/Ipsos, diễn ra từ 3 đến 6-1, cho thấy 41% coi Iran là "mối đe dọa sắp xảy ra" đối với nước Mỹ, tăng 17 điểm % so với cuộc thăm dò tương tự diễn ra giữa tháng 5-2019. Cuộc thăm dò này cũng chỉ ra rằng 71% người Mỹ tin rằng Mỹ sẽ bước vào một cuộc chiến tranh với Iran trong vài năm tới, tăng 20 điểm % so với cuộc thăm dò tháng 5-2019.
Thêm vào đó, 27% người tham gia khảo sát cho rằng Mỹ nên tấn công phủ đầu Iran trước, tăng 15% so với hồi tháng 5. Khoảng 41% người nói rằng Mỹ không nên không kích trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận