20/10/2017 09:32 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Việt phát triển bền vững

HẢI TRIỀU - THẢO NHƯ
HẢI TRIỀU - THẢO NHƯ

TTO - Kể từ khi 17 mục tiêu phát triển bền vững (SCGs) được thông qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định tầm nhìn và quyết tâm theo đuổi con đường phát triển xanh cùng nhân loại.

Nhiều doanh nghiệp Việt phát triển bền vững - Ảnh 1.

"Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển Bền vững" là chủ để của Diễn đàn năm nay

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vừa qua là minh chứng sống động cho tinh thần này của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Nếu như năm 2015 chỉ có khoảng 200 DN tham gia đối thoại về PTBV với Liên Hiệp Quốc thì năm nay, con số này đã lên đến 1.500.

Tín hiệu đáng mừng

Nhiều doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia đã sát cánh với doanh nghiệp Việt trong các chương trình phát triển bền vững. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, tư vấn, kết nối đã được triển khai khá đồng bộ trong mấy năm qua và đã tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Bộ chỉ số về doanh nghiệp phát triển bền vững CSI theo tiêu chuẩn thế giới đã được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban hành năm qua đã trở thành thước đo và mục tiêu hướng tới cho doanh nghiệp. 

Việc bình xét tôn vinh các doanh nghiệp bền vững cũng đã được triển khai, các khuyến nghị về chính sách PTBV cũng đã được trình lên các cơ quan có thẩm quyền… Đó là những kết quả bước đầu được ghi nhận.

Một thông tin đáng mừng được chia sẻ tại Diễn đàn là ngày càng có nhiều DN quan tâm và gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. 

Đại diện một tập đoàn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cho biết họ có 18 nhãn hàng phát triển theo tiêu chí bền vững và nhóm này tăng trưởng nhanh hơn 50% so với nhóm còn lại, chiếm 60% tổng doanh số của tập đoàn.

Nhiều doanh nghiệp Việt phát triển bền vững - Ảnh 2.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký VCCI kiêm Phó chủ tịch hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam đã nhấn mạnh PTBV là một yêu cầu cấp thiết

Trong lĩnh vực đồ uống, TGĐ một đơn vị sản xuất bia cũng chia sẻ DN của ông đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Hiện 4/6 nhà máy của công ty này nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối, 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng, giảm gần ½ lượng nước tiêu thụ, giúp tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ. Có thể xem đó là "quả ngọt" cho các DN đầu tư đúng cách vào các mục tiêu PTBV.

Chọn mục tiêu PTBV phù hợp đặc thù kinh doanh

PTBV đã được Liên Hiệp Quốc cụ thể hoá thông qua 17 mục tiêu như hành động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch và bền vững cũng như nâng cao năng lực nữ giới và doanh nghiệp vừa và nhỏ 

Giữa rất nhiều mục tiêu thuộc các nhóm lĩnh vực khác nhau, DN cần xác định mục tiêu nào liên quan mật thiết với đặc thù kinh doanh của mình.

Chẳng hạn, tại diễn đàn, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám Đốc Pháp chế và Đối ngoại Khu vực Đông Dương, Coca-Cola cho biết tập đoàn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ tài nguyên nước và trao quyền cho nữ giới, vốn là 2 trong số những mục tiêu PTBV có kết nối mạnh mẽ với hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, có thể tạo nên những ảnh hưởng to lớn cho cộng đồng.

Với mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước, tại Việt Nam, trong 10 năm qua, Coca-Cola đã đầu tư 4 triệu USD để cung cấp nước sạch cho hơn 65.000 người tại 7 tỉnh thông qua một loạt các dự án như lắp đặt đường ống dẫn nước, hệ thống lọc nước sạch tại các trường học… Đáng kể nhất có thể kể đến dự án EKOCENTER, cung cấp 6.000 lít nước mỗi ngày, phục vụ khoảng 3.000 người dân khu vực xung quanh.

Đối với mục tiêu hướng tới phụ nữ, tại Việt Nam, Coca-Cola cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) đã triển khai sáng kiến 5by20 thông qua các khóa đào tạo trực tuyến (e-learning) được thực hiện tại các trung tâm cộng đồng EKOCENTER. 

Theo đó, từ cuối năm 2016 đến nay, chương trình đã được triển khai tại 9 tỉnh thành ở Việt Nam, cung cấp 7 khóa học cho 220 phụ nữ tham dự tại lớp và chia sẻ đến hàng trăm phụ nữ địa phương. Mục tiêu của chương trình sẽ tiếp cận tới 2.000 phụ nữ Việt Nam vào cuối năm nay. Qua chương trình này, phụ nữ ở các địa phương có cơ hội tham gia vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nằm trong chuỗi cung ứng của Coca-Cola.

Nhiều doanh nghiệp Việt phát triển bền vững - Ảnh 3.

(Thứ 2 từ trái sang) Bà Lê Từ Cẩm Ly chia sẻ Tài nguyên nước và Phụ nữ là 2 trong 17 mục tiêu PTBV mà Coca-Cola đặc biệt chú trọng

Ngoài ra, Coca-Cola đã phối hợp cùng Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã tổ chức hơn 10 hội thảo tương tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hữu ích với sự tham gia của hơn 1.200 nhà quản lý và 800 DN nhằm hỗ trợ các SMEs nâng cao năng lực cạnh tranh, vững tâm "ra biển lớn" trong thời đại công nghệ 4.0. 

Năm 2017, đã có 8 SMEs có cơ hội trở thành nhà cung cấp/đối tác trong chuỗi cung ứng của Coca-Cola Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực như bao bì, logistics, phân phối, marketing, truyền thông, công nghệ, viễn thông và cung ứng bao bì PP sau chương trình tập huấn, cố vấn. 

Quá trình tập huấn không chỉ cung cấp cơ hội tiếp cận công nghệ, các DN tham gia còn được nâng cao trình độ quản lý, tư vấn và kết nối kinh doanh để họ có thể tự phát triển sau khi dự án kết thúc.

Theo Báo cáo "Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn" do Ủy ban kinh doanh và phát triển bền vững phát hành, chỉ cần đạt được duy nhất mục tiêu bình đẳng giới có thể đóng góp lên tới 28 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2025. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, Châu Á sẽ là khu vực có nhiều cơ hội kinh doanh nhất mà PTBV có thể mang lại so với các khu vực khác trên thế giới. Và đây sẽ là động lực phát triển tuyệt vời cho các doanh nghiệp hướng theo con đường PTBV và nhân văn hơn.

Tiếp theo những sáng kiến và mô hình thúc đẩy kinh doanh bền vững mà Hội đồng Phát triển bền vững đã triển khai trong những năm qua, như: Mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, Lập báo cáo bền vững, áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững CSI… 

VCCI sẽ triển khai chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), khuyến khích các doanh nghiệp góp phần xây dựng một nền kinh tế phi rác thải, tạo công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá gần 5 tỷ đô la Mỹ do nền kinh tế tuần hoàn mang lại.

Ngay sau Diễn đàn này, dự án "Zero Waste to Nature – Không xả thải vào môi trường tự nhiên",  sẽ được khởi động, với sự tham gia của ba công ty tiên phong: Unilever Việt Nam, CocaCola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam. 

Đồng thời, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cũng sẽ hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center) áp dụng Bản đồ phát triển bền vững-Sustainability Map, bộ hệ thống tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Với sự tiên phong của những tên tuổi hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, diễn đàn một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của PTBV, đúng như lời bà Lise Kingo - Giám đốc điều hành tổ chức hiệp ước toàn cầu LHQ phát biểu: "Kỳ trăng mật đã kết thúc, đã đến lúc chúng ta cần bắt tay vào hoạt động vì các mục tiêu toàn cầu".

HẢI TRIỀU - THẢO NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên