Sau "cơn sốt" nâng giá quyết đấu để trúng đấu giá mỏ cát năm 2023 ở Quảng Ngãi, bước sang năm 2024 nhiều doanh nghiệp xin trả mỏ, lý do là thuế tài nguyên cao. Chính quyền nói lỗi thuộc về doanh nghiệp.
Doanh nghiệp xin trả mỏ cát, lý do là thuế tài nguyên
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, năm 2023 có hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dù đã trúng đấu giá mỏ cát là Công ty TNHH xây lắp và thương mại Phú Cường xin hủy trúng đấu giá mỏ cát Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành); Công ty cổ phần đầu tư và phát triển THC Quảng Ngãi trúng đấu giá mỏ cát thôn Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) xong đơn phương chấm dứt, không khai thác vì vấn đề tài chính.
Ngoài ra, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hợp Nhất cũng xin hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát ở thôn Đông Mỹ (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa); Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Việt xin hủy kết quả trúng đấu giá hai mỏ cát ở xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa).
Công ty xây dựng Đồng Khánh cũng xin trả mỏ cát Trường Xuân - Thọ Lộc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).
Lý do chính các đơn vị này trả mỏ là thuế tài nguyên theo bảng giá năm 2024 tăng cao so với năm 2023.
Năm 2023 giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành là 150.000 đồng/m3, còn năm 2024 là 230.000 đồng/m3.
Một doanh nghiệp nói: "Tôi đấu giá và hoàn thành thủ tục năm 2023, chỉ chưa nộp tiền thuế cấp quyền khai thác, vậy sao lại áp dụng tính thuế tài nguyên năm 2024.
Khung giá thay đổi, tăng cả chục tỉ đồng, quá dự trù tài chính của công ty nên xin trả mỏ".
Chính quyền làm hoàn toàn đúng, doanh nghiệp tự làm khó mình?
Có doanh nghiệp đang khai thác xin không áp dụng nộp thuế theo bảng giá năm 2024 mà tiếp tục đóng thuế tài nguyên như năm 2023.
Như Công ty CP Đầu tư phát triển khoáng sản Quảng Ngãi trúng đấu giá và khai thác tại mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) từ năm 2023. Tổng số tiền nộp thuế theo đơn giá năm 2023 là 113,9 tỉ đồng. Công ty đóng thuế lần đầu vào năm 2023 là 50 tỉ đồng. Số tiền thuế còn lại chia làm 4 lần, đóng trong 4 năm tiếp theo, mỗi năm gần 16 tỉ đồng.
Tuy nhiên tháng 3 vừa qua, dựa vào bảng giá 2024, Cục Thuế Quảng Ngãi thông báo chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng phải đóng thuế 24,5 tỉ đồng để cấp quyền khai thác tiếp, thay vì 16 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Trung, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, khẳng định việc áp dụng bảng giá thu thuế tài nguyên năm 2024 để thu đối với các doanh nghiệp trên là hoàn toàn đúng quy định. Cục Thuế thông báo số tiền thuế phải nộp cho các doanh nghiệp tăng cao là chính xác.
"Các doanh nghiệp này sau khi trúng đấu giá mỏ cát rơi vào các trường hợp, như trúng đấu giá từ năm 2023 nhưng mãi vẫn không làm thủ tục khai thác, không nộp thuế tài nguyên để được cấp quyền khai thác; doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục từ năm 2023 nhưng sau khi có thông báo nộp thuế, trong 90 ngày không đến nộp.
Sau thời gian này, bắt buộc phải tính thuế theo bảng giá năm 2024", ông Trung nói.
Các doanh nghiệp xin hủy kết quả đấu giá, trả mỏ, lý do thuế tăng cao là không chính đáng. Bởi chính quyền đã thông báo, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để đưa mỏ vào khai thác, nhưng chủ mỏ vẫn rề rà, giờ đổ lỗi.
"Trúng đấu giá năm 2023 phải hoàn tất thủ tục và hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong năm. Nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi, các doanh nghiệp không hoàn thành, qua năm 2024 phải áp dụng mức thuế của năm 2024. Cái này doanh nghiệp tự làm khó mình.
Giờ bắt chúng tôi "quay lui" chẳng khác nào buộc chúng tôi vi phạm pháp luật", ông Trung cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng có kết luận trước vấn đề doanh nghiệp trúng đấu giá xin hủy kết quả đấu thầu, hoặc xin nộp thuế tài nguyên như năm 2023.
UBND tỉnh không chấp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính như Cục Thuế tỉnh thông báo.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan có biện pháp chấn chỉnh nghiêm, tránh việc doanh nghiệp "nâng giá trên trời đấu trúng xong bỏ chạy" gây nhiễu loạn thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận