14/11/2018 22:20 GMT+7

Nhiều điểm trong dự thảo Luật kiến trúc bị chê 'bất cập'

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - "Bất cập, còn sơ sài" là nhận xét của một số đại biểu Quốc hội về nhiều điểm trong dự án Luật kiến trúc ở phiên thảo luận chiều nay 14-11.

Nhiều điểm trong dự thảo Luật kiến trúc bị chê bất cập - Ảnh 1.

Muốn có diện mạo kiến trúc tốt cần kiến trúc sư giỏi - Ảnh: B.NGỌC

'Nhà nước không nên can thiệp việc xấu đẹp của kiến trúc'

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nhiều quốc gia không đặt nặng vấn đề kiến trúc xấu hay đẹp, đúng hay sai, mà quan tâm đến chất lượng đào tạo kiến trúc sư, và việc quản lý những người này sau khi ra trường tham gia hội nghề nghiệp.

"Còn sản phẩm của những kiến trúc sư này đẹp hay xấu, được xã hội chấp nhận hay không lại là câu chuyện khác, Nhà nước không can thiệp vào vấn đề đó", ông Nhân nói.

Do đó, theo đại biểu Bình Dương, quy định Sở Xây dựng cấp chứng chỉ cho các kiến trúc sư, thẩm định và đánh giá lại sau mỗi 10 năm, là quy định rất bất cập.

"Thực tế có nhiều kiến trúc sư ở trong nước thì không được đánh giá cao nhưng khi tham gia các cuộc thi quốc tế thì lại được đánh giá cao. Vậy Sở Xây dựng dựa vào tiêu chí nào, và các thành viên trong hội đồng thẩm định có đủ năng lực, thẩm định và cấp chứng nhận chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư này?", ông Phạm Trọng Nhân nói.

Một quy định khác mà ông Nhân thấy vô lý là yêu cầu khi tham gia hội nghề nghiệp, nếu hết thời gian hành nghề thì kiến trúc sư phải nộp một bộ hồ sơ với rất nhiều loại giấy tờ để được xem xét gia hạn.

"Thời điểm này mà còn yêu cầu kiến trúc sư làm thủ tục để gia hạn. Nếu có quản lý theo hội nghề nghiệp hay phân cấp ở địa phương thì biết ngay kiến trúc sư nào đang tham gia ở đâu, được cấp phép ở thời điểm nào. Thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì việc kiểm tra đó dễ như trở bàn tay", đại biểu Bình Dương nói.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) còn thẳng thắn nhận xét dự thảo Luật kiến trúc trình ra Quốc hội là "quá sơ sài và cẩu thả". Với nội dung về Hội đồng kiến trúc quốc gia, bà Hằng đề nghị quy định rõ tính pháp lý, nghĩa vụ quyền hạn của hội đồng, tránh tình trạng thành lập ra chỉ mang tính hình thức, lãng phí ngân sách.

Phải có nguyên tắc để giữ bản sắc kiến trúc 

Trao đổi lại với các đại biểu, ông Lê Quang Huy - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội - cho biết mục đích chính của việc xây dựng Luật kiến trúc ngoài việc tạo ra cơ sở pháp lý để đội ngũ kiến trúc sư phát triển, còn một mục đích khác không kém phần quan trọng là góp phần hình thành diện mạo kiến trúc đặc trưng của đất nước.

"Đành rằng muốn có diện mạo kiến trúc tốt thì cần phải có kiến trúc sư giỏi nhưng kèm theo đó phải có những định chế mang tính quản lý về diện mạo kiến trúc", ông Huy nhấn mạnh.

Do đó, dự thảo luật có quy định về quản lý kiến trúc gắn với từng nhóm đối tượng có liên quan thông qua các công cụ quản lý như quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo ông Huy, việc quản lý hành nghề kiến trúc không quá khác biệt với các ngành nghề khác như luật sư, bác sĩ… Nội dung khó hơn cả là nghiên cứu, thống nhất quy định mang tính nguyên tắc về bản sắc kiến trúc truyền thống, dân tộc.

TTO - Nhắc lại vụ việc 12 con giáp "khỏa thân" ở Đồ Sơn (Hải Phòng), đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng cần định rõ khuôn mẫu cho kiến trúc Việt Nam, đảm bảo hài hòa nghệ thuật và bản sắc văn hóa dân tộc.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên