Các chuyên gia du lịch cho rằng đang có sự tranh cãi trong câu chuyện phát triển du lịch bền vững - Ảnh: N.BÌNH
Ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đã nhận định như vậy tại hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 28-10.
Theo ông Lương, rất nhiều địa phương đang tìm đến viện để nhờ tư vấn cách tính toán lượng khách, cơ sở lưu trú… để tránh bị tình trạng quá tải sức chứa, giảm thiểu sự ảnh hưởng lên môi trường.
Ngay cả Hạ Long hiện nay, cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng đang đau đầu tính lại số thuyền neo đậu trong vịnh bao nhiêu là hợp lý, vì quá tải sức chứa cũng có nghĩa nguy cơ môi trường bị ô nhiễm cao.
"Những điểm đến có giá trị thiên nhiên cao nên tính toán mô hình khai thác du lịch, có sự hạn chế lượng khách phù hợp", ông Lương gợi ý về cách thức phát triển bền vững trong du lịch.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng thừa nhận thách thức của ngành du lịch Việt Nam hiện nay là sự cân bằng giữa câu chuyện phát triển bền vững và giá trị kinh tế từ du lịch.
Ông Thiên khẳng định phát triển du lịch phải chú ý đến đẳng cấp chứ không chạy theo sản lượng du khách năm nay phải tăng hơn so với năm trước. Muốn vậy, ngay từ đầu, người làm du lịch phải hướng tới đẳng cấp, tập trung nhóm khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều bằng chất lượng dịch vụ phải tốt.
Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới ghi nhận tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao.
Việt Nam cũng có một nguồn lực cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành năng động. Nhưng để phát triển các dự án liên quan đến văn hóa, tài nguyên thì doanh nghiệp, nhà nước phải minh bạch này nhằm đảm bảo cho dân biết, dân bàn và dân kiểm tra, càng minh bạch càng tốt.
Chuyên gia này đề xuất hiện nay cùng với việc khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí về phát triển bền vững, cơ chế phản biện rộng rãi thì các dự án du lịch của Việt Nam sẽ tăng được sự đồng thuận, giảm xung đột hơn.
"Minh bạch trong dự án liên quan đến thiên nhiên, văn hóa cũng là nguyên tắc trên thế giới áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả tài chính, ngân hàng chứ nếu cứ co kéo như hiện nay rất dễ cản trở sự phát triển du lịch Việt Nam", ông Nam nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2019 sẽ đón 17-17,5 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu toàn ngành du lịch đạt 750.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận