Trong đó có đê biển Đông 8 điểm, đê biển Tây 4 điểm với tổng chiều dài trên 3km. Sạt lở xảy ra từng đoạn, mỗi đoạn vài trăm mét nhưng đoạn nào cũng nguy hiểm vì nước biển đã tràn ngập tới chân đê.
Hiện tượng này đã thành quy luật do ảnh hưởng của gió mùa. Hàng năm, đê biển Tây bị sạt lở mạnh vào thời điểm từ tháng ba cho tới tháng mười. Tiếp đó, từ tháng mười cho tới tháng ba năm sau thì tới lượt đê biển Đông sạt lở nhiều.
Sạt lở đê biển là chuyện tự nhiên đối với những địa phương có biển, nhưng riêng đối với Cà Mau, do có bờ biển chiều dài lên tới 252km, lại là tỉnh có hệ sinh thái nửa mặn nửa ngọt nên nếu đê bị sạt lở, nước mặn tràn vào ruộng sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân.
Đặc biệt là vùng ven biển Tây có hai huyện U Minh và Trần Văn Thời có 2/3 diện tích ngọt hóa, được quy hoạch chuyên sản xuất lúa và nuôi các loại cá đồng, diện tích còn lại nằm ven đê biển Tây. Nếu vỡ đê, nước biển tràn vào sẽ gây xâm mặn cả vùng ngọt hóa.
Nhiều người dân sinh sống ven đê biển Đông cho biết mặc dù đây là vùng nuôi trồng thủy sản, nhưng con tôm cũng không thích nghi với nước mặn nếu nước biển ồ ạt tràn vào vuông tôm một cách không kiểm soát, vì vậy bà con kiến nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp chống sạt lở đê biển.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã tìm giải pháp khắc phục sạt lở đê biển. Đối với những tuyến được Trung ương cấp vốn nâng cấp đê biển, địa phương khẩn trương thi công công trình, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Đối với những đoạn đê sạt lở cục bộ, chính quyền cơ sở phối hợp người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp như dùng cây gỗ, đất đá tại chỗ bồi đắp, ngăn chặn sạt lở; tích cực trồng rừng phòng hộ ven biển; đồng thời khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận