Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch tả heo châu Phi - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan trên diện rộng của DTHCP, sáng 13-5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống DTHCP. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, tốn kém trong phòng chống đến như vậy.
Mặc dù DTHCP xảy ra từ năm 1921 tại châu Phi, song quy mô kinh tế thời điểm ấy chưa tới mức lớn như hiện nay. Trong 3 - 4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn heo nuôi mới lớn, xảy ra ở 56 nước, đặc biệt ở châu Á, tốc độ lây lan chóng mặt. Khả năng nhiễm virus rất cao, đã vào đàn là 100% heo bị bệnh.
Mặt khác, điều kiện khí hậu cùng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp từ tháng 8-2018, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, Việt Nam đã có ý thức ngay trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, bộ cũng đã xây dựng các kịch bản đối phó. Sau khi dịch bệnh xảy ra, đã áp dụng mọi biện pháp, từ văn bản pháp luật đến các khâu xử lý cụ thể. Tuy nhiên, điều trớ trêu là chưa có vắcxin điều trị. Hiện tại đã buộc phải tiêu hủy khoảng 1,2 triệu con lợn (chiếm 4% tổng đàn). Hiện nay nguy hiểm ở chỗ là tốc độ lây lan dịch rất nhanh.
Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, sau này sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định.
Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch tả heo châu Phi diễn ra sáng nay 13-5 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nguyên nhân DTHCP đang lây lan như hiện nay là do một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để, vẫn còn địa phương để người dân vứt lợn ra môi trường như Bắc Giang, Thái Bình...
Thứ trưởng Tiến nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTHCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Lập trạm chốt chặn heo dịch tại địa phương- Ảnh: TTO
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: DTHCP là dịch bệnh nguy hiểm. Từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh, bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó thủ tướng nhấn mạnh tình trạng DTHCP vẫn xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, chưa được kiểm soát có hiệu quả, thậm chí có nơi còn lúng túng.
"Khả năng lây lan bệnh còn rất cao, chúng ta chưa thể tuyên bố kiểm soát chặt chẽ hoàn toàn dịch bệnh, khả năng tái phát dịch bệnh cũng chưa được kiểm soát. Một số nơi hết dịch nhưng sau đó lại bị tái phát.
Theo báo cáo Bộ trưởng NN-PTNT thì nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng, còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y. Yêu cầu các địa phương cần khắc phục ngay tình trạng này" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói
Mới đây báo chí, mạng xã hội đưa tin xác heo chết do DTHCP trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn hay có địa phương không còn chỗ tiêu hủy heo bệnh, có nơi chôn heo rồi lại đào lên đi chuyển đi chỗ khác. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ, tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng này.
Dịch tả heo châu Phi vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn - Ảnh: TTO
Theo Phó thủ tướng, nhiều địa phương chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác phòng chống dịch là bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế. trong khi chúng ta phải bảo vệ những gì đã làm được. Đây là nhiệm vụ quan trọng vừa là trước mắt, vừa là trọng tâm lâu dài.
Các biện pháp phòng chống dịch còn chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm, chưa phù hợp. Việc hỗ trợ cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch.
Theo Phó thủ tướng, trước mắt có một số nhiệm vụ trọng tâm: phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN&PTNT.
Phó thủ tướng đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo chỉ thị gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng DTHCP. Tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận