Tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn sau khi địa phương áp dụng lệnh cấm biển - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tại Hải Phòng, thời tiết âm u kèm mưa lác đác xảy ra từ rạng sáng 9-10. Đến nay, công tác ứng phó với bão của thành phố đã cơ bản hoàn tất.
UBND TP Hải Phòng yêu cầu ban ngành, đơn vị liên quan thông báo lệnh cấm biển, tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển, dừng hoạt động của các cầu vượt biển.
Các địa phương rà soát, thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn người dân thu hoạch lúa, hoa màu, cây ăn quả để giảm thiệt hại do bão; kiểm tra hệ thống đê điều, thủy lợi, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều trước và trong bão.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, hiện chưa ghi nhận phương tiện nào còn hoạt động trong vùng biển nguy hiểm.
Tại Quảng Ninh, lệnh cấm biển được áp dụng từ trưa 9-10 và các địa phương cũng chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập, kè yếu, nhà tạm... để sẵn sàng phương án di dời các nhà dưới chân kè, vùng trũng.
Ông Nguyễn Minh Sơn - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh - cho biết lực lượng biên phòng đã bắn pháo hiệu kêu gọi hơn 8.000 tàu cá và hơn 450 tàu du lịch về bờ.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo của tỉnh đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam - Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc rà soát các bãi thải mỏ, kiểm soát vùng sạt trượt ở các bãi thải mỏ.
Tại Thái Bình, sau khi áp dụng lệnh cấm biển để ứng phó bão số 7 đã ghi nhận có 1.164 tàu, thuyền với 3.423 lao động làm ăn trên biển và tất cả các phương tiện đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Toàn tỉnh có 1.246 chòi canh ngao với 1.179 lao động; 1.294 đầm với 2.070 lao động nuôi trồng thủy, hải sản. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch 33.341/76.668ha lúa mùa và gieo trồng 10.805ha cây vụ đông.
Ông Lại Văn Hoàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết tỉnh được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão với lượng mưa rất lớn, trên diện rộng nên đã đẩy mạnh việc thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín.
Đối với phần diện tích lúa chưa thể thu hoạch, tỉnh giao ngành nông nghiệp chỉ đạo hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình mở tối đa các cống tiêu, tiêu nước triệt để trong toàn hệ thống, sẵn sàng vận hành các trạm bơm khi mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng cho lúa và cây màu.
Tàu thuyền vào âu cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh trú bão số 7 chiều 9-10 - Ảnh: LÊ MINH
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 3.675 tàu cá và 14.860 lao động hoạt động trên biển. Hiện các chủ tàu cá đã nắm được thông tin về diễn biến của bão và vào nơi neo đậu, tránh trú tại các khu neo đậu, bến bãi trong và ngoài tỉnh.
Các địa phương cùng lực lượng chức năng đang hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu cá vào neo đậu.
Với hơn 6.500ha nuôi trồng thủy hải sản, tỉnh khuyến cáo người dân thu hoạch toàn bộ thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Nạo vét kênh mương, gia cố lại hệ thống dây neo.
Khi cần thiết di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nghệ An: Hơn 1.000 hồ chứa đầy nước, chủ động điều tiết
Công nhân cây xanh TP Vinh cắt tỉa cây xanh phòng gãy đổ do mưa bão - Ảnh: DOÃN HÒA
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện hơn 3.400 phương tiện với 17.100 lao động của tỉnh đã nhận được hướng đi của bão và chủ động di chuyển vào bờ tránh trú, không còn phương tiện trong vùng nguy hiểm.
Toàn tỉnh có 18.009 ha nuôi trồng thủy sản, tất cả chủ hộ đã chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổng diện tích lúa toàn tỉnh 88.270ha, trong đó đã thu hoạch khoảng 75.600ha, còn hơn 12.600ha lúa mùa chưa thu hoạch. Các địa phương đang khẩn trương thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn nhiều ngày, trong 1.061 hồ, đập lớn nhỏ hiện đã có 1.031 hồ đầy nước, 26 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 3 hồ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ… hạn chế thiệt hại, trọng tâm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận