08/01/2025 18:44 GMT+7

Nhiều địa phương có chuyển dịch thanh toán điện tử tăng trưởng theo từng tháng

Năm 2024, thanh toán không tiền mặt chứng kiến sự bứt phá đáng chú ý từ các tỉnh thành khác.

Nhiều địa phương có chuyển dịch thanh toán điện tử tăng trưởng theo từng tháng - Ảnh 1.

Thị trường thanh toán điện tử đang có những chuyển dịch đầy bất ngờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo báo cáo hoạt động thanh toán điện tử trong năm 2024 của nền tảng thanh toán Payoo vừa phát hành, đã có sự chuyển dịch đáng kể trong hình thức thanh toán không tiền mặt sau một năm.

Dịch chuyển từ khối công

Cụ thể, tỉ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng các ngành nghề và địa phương đã tăng từ 60% (năm 2023) lên 65% trong năm nay, trong khi tỉ lệ thanh toán trực tiếp tại điểm (thanh toán qua máy POS) giảm từ 40% xuống còn 35%.

Sự thay đổi này phản ánh xu hướng số hóa ngày càng rõ nét trong các hoạt động kinh tế và thương mại.

Với phương thức thanh toán tại điểm, bên cạnh Hà Nội và TP.HCM - hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, năm 2024 đã chứng kiến sự bứt phá đáng chú ý từ các tỉnh thành khác.

Khi phân tách dữ liệu theo đơn vị hành chính, số liệu của Payoo nhận thấy nhiều địa phương đã ghi nhận mức tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử trên 7% mỗi tháng, chẳng hạn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

Sự phát triển này cho thấy hiệu quả của các chương trình chuyển đổi số thanh toán từ khối dịch vụ công đến khối tư nhân đang được các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và các ngân hàng, trung gian thanh toán nỗ lực triển khai suốt thời gian qua.

Tiêu dùng hàng xa xỉ giảm nhẹ

Nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm nhóm mặt hàng thời trang, thiết bị sức khỏe, thể thao và giáo dục, tăng khoảng 25% so với mức bình quân chung các nhóm ngành khác. Trong một số thống kê trong vòng 2 năm nay của Payoo, xu hướng đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe không chỉ được duy trì mà ngày càng thể hiện rõ nét hơn.

Nhóm tăng tương đương so với bình quân chung của toàn hệ thống gồm có nhóm dịch vụ ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, vui chơi giải trí... Nhóm nữ trang, đồng hồ, hàng xa xỉ tuy vẫn duy trì được sự quan tâm của người dùng, nhưng có xu hướng giảm nhẹ tại một số thời điểm trong năm.

Xu hướng người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện diện và ngày càng rõ nét trong rổ hàng hóa.

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành điện máy, điện thoại ghi nhận mức tăng thấp hơn khoảng 20% so với bình quân chung các ngành nghề khác. 

Mặt hàng công nghệ có vẻ đã trải qua hơn một năm trong tình trạng “vùng trũng tăng trưởng”. Ngay trong những đợt bùng nổ ưu đãi như Black Friday, các sản phẩm công nghệ ở hầu hết trung tâm điện máy có mức giảm giá lớn nhưng sức tiêu thụ của người dân chỉ tăng 23% so với ngày thường - một mức tăng khá khiêm tốn so với các lĩnh vực khác.

Xu hướng này không chỉ phản ánh hành vi người tiêu dùng mà còn gợi mở về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thay đổi. 

Một điều thú vị khảo sát nhận thấy ở ngành dịch vụ ăn uống là dù thị trường F&B vẫn đang trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ với nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhưng doanh thu từ mảng đặt hàng và thanh toán online lại ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn trên 10% mỗi tháng.

Điều này tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực tế lại chính là một phần của chiến lược cắt giảm chi phí đẩy mạnh bán hàng online và tiếp cận nhóm khách hàng trẻ - những người ưa thích sự tiện lợi từ các thương hiệu F&B.

Giá trị thanh toán QR ngày càng cao

Thanh toán QR, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8% - 10% mỗi tháng, nay không chỉ phổ biến khi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay thanh toán bữa ăn mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như điện máy, nội thất, trang sức và thậm chí cả đầu tư tài chính.

Ngoài ra, giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR đã tăng 20% so với năm 2023. Điều này cho thấy QR không còn bị xem là giải pháp thanh toán cho những giao dịch giá trị nhỏ, mà đã được công nhận như một phương thức đáng tin cậy và linh hoạt trong những giao dịch có giá trị cao.

Bên cạnh QR, năm 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC. Trong khi thanh toán không chạm tăng trưởng khá ổn với mức tăng trung bình khoảng 6% mỗi tháng thì hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm 2% - 3% mỗi tháng.

Nhiều địa phương tăng tốc thanh toán điện tử theo từng tháng  - Ảnh 1.Thanh toán không dùng tiền mặt: Động lực đổi mới của tài chính tiêu dùng

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tài chính đã và đang đổi mới để thích nghi và tồn tại trước nhu cầu, hành vi mới của thị trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên