Nhiều ý kiến tán thành với việc sửa đổi toàn diện BLHS, nhiều quy định trong dự thảo BLHS đã thể hiện nhiều tư tưởng tiến bộ, thể hiện đúng tinh thần, định hướng cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp.
Góp ý cụ thể, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng việc dự thảo BLHS bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các điều luật liên quan đến tội đưa hối lộ, nhận hối lộ là cần thiết.
Tuy nhiên, nếu quy định nhận hối lộ “lợi ích phi vật chất” chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ thì không hợp lý, có phần nương nhẹ. “Trường hợp nhận hối lộ lợi ích phi vật chất mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sao?” - ông Triệu Là Pham đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Triệu Là Pham, lâu nay hành vi nhận hối lộ được quy định là người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu đồng.
Nay dự thảo BLHS bổ sung ”lợi ích phi vật chất” thì phải làm rõ nội dung cụ thể của ”lợi ích phi vật chất”, ví dụ có phải là hối lộ tình dục, hối lộ thông tin, hối lộ thành tích… ”Dù là hình thức nào cũng đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Triệu Là Pham nói.
Đa số ý kiến đại biểu đề nghị không quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên.
Theo ông Triệu Là Pham, mặc dù việc loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên được xem là nhân đạo, nhưng tuổi thọ con người đang ngày càng được nâng lên, người ở tuổi 70 vẫn có thể mạnh khỏe, lại có hiểu biết, có thể cầm đầu tổ chức tội phạm.
Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cũng cho rằng việc loại trừ như nêu trên phải có căn cứ chặt chẽ, nếu không sẽ bị lạm dụng. Đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) lại bày tỏ quan điểm đồng ý không áp dụng tử hình với người từ 70 tuổi cũng như không áp dụng hình phạt tử hình với một số tội phạm khác đã được quy định trong dự thảo bộ luật.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đồng tình với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai. Tuy nhiên, đại biểu Thúy nói trong thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở để trốn tránh, trong thời gian cải tạo đã mang thai, nuôi con nhỏ và mang thai nhiều lần.
Có ý kiến cho rằng cơ quan pháp luật làm ngơ và không nghiêm túc. Bà mẹ xem đứa con như bình phong mà đánh mất thiên chức làm mẹ. Trước thực tế này, cơ quan soạn thảo cần có quy định chặt chẽ hơn.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo BLHS (sửa đổi).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận