28/08/2018 08:43 GMT+7

Nhiều 'đặt hàng' cho chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Chia nhỏ các nhóm thi, tăng cường triển khai, áp dụng các đề tài vào thực tiễn... là đề nghị của đại biểu tại hội thảo chuẩn bị cho các hoạt động của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018.

Nhiều đặt hàng cho chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 - Ảnh 1.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo sáng 27-8 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sáng 27-8, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo "", chuẩn bị cho các hoạt động của chương trình năm 2018.

Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn Thiên Long phối hợp triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục.

Tại hội thảo, nhiều góp ý thẳng thắn từ các Đoàn trường THPT, ĐH… đã được nêu ra. Chị Lê Thị Huyền, bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho rằng mỗi năm các giáo viên, học sinh của trường tham gia 30-40 đề tài nghiên cứu.

"Vậy một nhóm các bạn học sinh đang nghiên cứu một đề tài để dự thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức thì có thể tham gia dự thi Tri thức trẻ vì giáo dục được không?" - chị Huyền đặt vấn đề.

Anh Nguyễn Duy Minh - bí thư Thành đoàn Đà Nẵng - giải đáp rằng các bạn học sinh có đề tài nghiên cứu phục vụ giáo dục có thể tham gia chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục".

Đoàn Trường phổ thông Hermann Gmeiner chia sẻ học sinh phổ thông thì kiến thức cũng như điều kiện không thể bằng sinh viên được nhưng tình yêu và đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của các em là rất lớn.

Trường THPT Trần Phú cũng góp ý, so với giảng viên, sinh viên thì rõ ràng học sinh và giáo viên phổ thông không có điều kiện bằng, nên chăng có sự chia nhỏ các nhóm thi?…

Anh Trần Đình Trung - bí thư Đoàn ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng - kiến nghị cần xem lại các tiêu chí đánh giá đề tài tham gia dự thi bao gồm cả tiêu chí kinh tế, tính mới…

Anh Trung cũng góp ý rằng cuộc thi không nên chỉ dừng lại ở trao giải thưởng là xong mà cần có kinh phí để triển khai thực tiễn.

Ông Trịnh Văn Hào - giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long - khẳng định không phải thi xong phát thưởng là hết mà thực tế hai mùa giải qua có nhiều đề tài đã được triển khai, áp dụng rộng rãi. Ví dụ đề tài đưa giáo dục giới tính vào trường học của tác giả Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre) đã in sách và tái bản hai lần.

Anh Nguyễn Minh Triết - trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn, phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam - chia sẻ chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" qua 2 năm triển khai đã lan tỏa sâu rộng đến đoàn viên thanh niên, nhất là học sinh sinh viên.

Qua hai lần triển khai, ban tổ chức đã nhận được gần 600 ý tưởng, đề tài, sáng kiến sáng tạo của các đoàn viên thanh niên dưới 35 tuổi, trong đó có rất nhiều đề tài, ý tưởng chất lượng. Đến thời điểm này của năm 2018, ban tổ chức đã nhận được hơn 70 đề tài tham gia.

"Chúng tôi luôn mong muốn sau mỗi năm triển khai sẽ có thêm nhiều ý tưởng, đề tài đóng góp thiết thực vào công tác dạy và học" - anh Triết nói thêm.

Anh Triết cũng cho biết không chỉ là tuyên dương ý tưởng khi kết thúc chương trình hàng năm, đề tài của các tác giả tiếp tục được đồng hành, phát triển từng bước đến gần hơn với học đường.

Phát động cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018

TTO - Tiếp nối thành công của hai mùa trước, năm nay Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức phát động chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục' năm 2018.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên