Phát biểu thảo luận ở hội trường về Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ chủ trương phát triển điện hạt nhân nêu trong dự luật.
Cần thiết có điện hạt nhân
Dự luật quy định quy hoạch phát triển điện hạt nhân là một phần gắn liền và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do Nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.
Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) cho rằng đưa quy định phát triển điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng (khoảng 10%/năm) và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo ông Chính, các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất, nhất là với các ngành công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định. Việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đã trải qua một quá trình dài chuẩn bị.
Tuy nhiên, năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do những lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề về công nghệ cũng như các diễn biến trong tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.
"Cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân, vừa tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Bổ sung những quy định để quản lý chất thải phóng xạ, các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân", ông Chính đề nghị.
Điện hạt nhân Ninh Thuận: Tạm dừng chứ chưa phải hủy bỏ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng hiện nước ta đã có nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia nhưng chưa có nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh thiếu hụt điện năng, các quốc gia trên thế giới cũng đã có xu hướng tái khởi động hoặc phục hồi những nhà máy điện trước đây đã đóng cửa.
Ông Hòa đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể phục hồi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoặc khởi động dự án khác trong thời gian sớm nhất với điều kiện đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe của người dân và quốc phòng an ninh.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "17 năm nay chúng ta đã quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chưa có luật, thậm chí chưa có nghị định, chưa có quy định cụ thể mà chúng ta đã quyết định".
Theo ông Diên: "7 năm trước chúng ta mới tạm dừng, chưa phải hủy bỏ, đến bây giờ cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại, cho nên phải đề cập trong luật lần này để loại hình năng lượng đó (điện hạt nhân - NV) được phép phát triển".
Theo ông Diên: "Những bước đi cụ thể về phát triển điện hạt nhân sẽ giao cho Chính phủ. Ở đây không phải Chính phủ có quyền to đến mức không phải báo cáo Quốc hội mà phải báo cáo Quốc hội để chúng ta làm việc này".
Xây dựng lộ trình phát triển điện hạt nhân
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân sao cho thành công, đạt hiệu quả cao.
Bà Hương đề nghị cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư nguồn lực đất đai tại hai vị trí điện hạt nhân mà năm 2009 Quốc hội đã có nghị quyết chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận