Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phát biểu tại họp tổ - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ và quyết toán ngân sách nhà nước 2017 sáng nay 22-5.
Ông Ngân cho biết nhiều ngày nay cử tri hỏi ông "liệu tình hình giá điện có giảm hay không?". Đọc báo cáo của Bộ Công thương gửi tới Quốc hội ngày 21-5 giải trình về việc tăng giá điện vừa qua, ông Ngân hiểu và chia sẻ với những nội dung được trình bày trong đó. Tuy nhiên, ông không đồng tình với cách chia bậc thang tính giá điện như hiện nay.
Theo ông Ngân, hiện ở Nhật Bản chỉ có 3 bậc tính giá điện, Việt Nam quy định đến 6 bậc. Trong đó bậc 1 từ 0-50kWh và bậc 2 từ 51-100kWh là quá thấp.
"Hiện nay nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng tăng lên. Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", đại biểu TP.HCM nói.
Từ đó, ông Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300kWh.
Liên quan đến việc tăng giá điện, hôm qua 21-5, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã gửi báo cáo tới Quốc hội.
Theo đó, Bộ Công thương cho biết việc điều chỉnh giá bản lẻ điện bình quân năm 2019 được thực hiện trên cơ sở các quy định liên quan như Luật điện lực, quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bản lẻ điện bình quân, quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020.
Thời điểm tăng giá (từ 15 đến 30-3) là theo đề xuất của liên bộ Công thương - Tài chính và Tổng cục Thống kê.
Trước đó, một báo cáo của Bộ Công thương nêu quá trình kiểm tra tại các đơn vị liện lực, khách hàng vừa qua cho thấy tình trạng tăng tiền điện chủ yếu do nắng nóng, kết hợp với việc điện tăng 8,36% và tháng 3 có 31 ngày, nhiều hơn 3 ngày so với tháng 2.
Theo thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 20-3 đến đầu tháng 5, đơn vị này tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện.
Cũng theo EVN, phần lớn khách hàng trên cả nước trong tháng 4 sử dụng điện dưới 200kWh, chiếm tỉ lệ tới 68,15%, còn lại 31,85% sử dụng điện trên 200kWh.
* Sau khi Luật điện lực được ban hành năm 2013, Bộ Công thương ra quyết định tính giá điện theo 6 bậc tiêu thụ khác nhau: 0-50kWh, 51-100kWh, 101-200kWh; 201-300kWh, 301-400kWh và từ 401kWh trở lên.
Không nên đề nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: TIẾN LONG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội chiều 22-5, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng yêu cầu của EVN xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện "vừa không tế nhị, vừa không mang lại lợi ích cho lĩnh vực kinh doanh".
Theo ông Quốc, khi thông tin về việc tăng giá bán điện không được công bố đầy đủ, công khai thì người dân có có quyền nói, thắc mắc, nêu vấn đề và ngành điện cũng như Bộ Công Thương có trách nhiệm giải trình.
"Cần phân biệt ranh giới giữa thông tin không chính xác và vu khống. Người dân có thể nêu không chính xác bởi không có nguồn thông tin chính thống. Còn vu khống, xuyên tạc chỉ được hiểu khi người dân đặt điều", ông Quốc nói.
"Rõ ràng trong sự việc này, ngay từ đầu Bộ Công Thương và ngành điện không chủ động thông tin cho người dân hiểu. Thậm chí đến khi Quốc hội yêu cầu mới gửi báo cáo giải trình".
Đánh giá những thắc mắc của người dân là nghiêm túc, bức xúc là thật sự, ông Dương Trung Quốc cho rằng ngành điện cũng như các ngành khác, cũng là doanh nghiệp, phải có đủ sự nhạy bén, chủ động PR (truyền thông) để những thông tin tích cực nhất đến với người dân, thuận lợi cho việc kinh doanh.
"Nếu điện người dân được lựa chọn mua, không độc quyền chắc sẽ khác. Còn khi chấp nhận độc quyền thì phải chấp nhận cả ý kiến trái chiều của người dân", đại biểu Đồng Nai chia sẻ.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng người dân thắc mắc việc tăng giá điện là bình thường, vì ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền" của dân nhưng thông tin chưa đầy đủ, công khai.
"Dân nói đúng phải tiếp thu, nói sai thì thông tin lại. Thế mới làm hết trách nhiệm", ông Sinh góp ý với ngành điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận