Công ty nào nắm nhiều trái phiếu
Tại Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), tính đến ngày 30-6-2023, công ty này nắm giữ 13.460 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 86% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là trái phiếu chưa niêm yết với tổng trị giá là 12.570 tỉ đồng.
Nếu tính về giá trị tuyệt đối, TCBS đang là công ty chứng khoán ôm lượng trái phiếu lớn nhất. Nhưng xét về tỉ lệ, lượng trái phiếu nắm giữ mới chỉ chiếm hơn 38% tổng tài sản của TCBS, trong khi tại chứng khoán VPBank (VPBankS), con số này là 53%.
Cụ thể, cuối tháng 6-2023, VPBanks ghi nhận 10.081 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 39% so với cuối 2022.
Ở Chứng khoán VPS, lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đến cuối tháng 6 năm nay cũng tăng lên 1.701 tỉ đồng.
Tại một số công ty khác, lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhưng xu hướng giảm dần. Như Chứng khoán SSI, đến cuối tháng 6-2023, công ty này còn 9.897 tỉ đồng, giảm 24% so với đầu năm.
Còn tại VNDirect, chiếm tỉ trọng lớn nhất tại danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn là trái phiếu doanh nghiệp với 10.245 tỉ đồng, giảm 3% so với cuối 2022. Giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 24% tổng tài sản của VNDirect.
Tính đến hết quý 2, Chứng khoán VIX cũng ghi nhận 1.147 tỉ đồng trái phiếu chưa niêm yết, giảm 35% so với cuối năm ngoái.
Với ước tính khoảng 113.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2 tới quý 4 năm 2023 có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, VIS Rating chỉ ra các rủi ro mà công ty tài chính phải đối mặt.
Theo đó, nguy cơ rủi ro đối với chất lượng tài sản của các định chế tài chính có xu hướng tăng lên do trái phiếu và/hoặc tổ chức phát hành có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, ảnh hưởng đến các khoản cấp tín dụng trực tiếp và giá trị tài sản đảm bảo mà các định chế tài chính này đang nắm giữ.
Ngoài rủi ro trực tiếp về tài sản, VIS Rating còn cho rằng các công ty sẽ phải đối mặt với việc các nhà đầu tư cá nhân yêu cầu mua lại các trái phiếu doanh nghiệp mà công ty chứng khoán đã phân phối.
Vợ chồng CEO VNDirect và chuyện trái phiếu Trung Nam
Dựa trên kết quả phân tích, hồi tháng 4 năm nay, VIS Rating xác định ra 22 nhóm tập đoàn lớn với 113.000 tỉ đồng nợ trái phiếu có nguy cơ rủi ro mất thanh khoản cao.
Trong đó, có một số tập đoàn có công ty liên quan có trái phiếu không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán như Trung Nam…
Thực tế, khoản đầu tư vào trái phiếu Trung Nam từng là nỗi thấp thỏm lớn của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VND của VNDirect.
Thời điểm đầu tháng 7 năm nay, Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Trung Nam (một công ty thành viên Trung Nam Group) chậm thanh toán cho lô trái phiếu gốc lãi 1.586 tỉ đồng khiến không ít cổ đông VND lo ngại.
Lúc đó công ty này đưa ra loạt lý do dẫn đến chậm thanh toán như: Các nhà máy điện thuộc sở hữu của công ty này mới COD cuối năm 2021 và vẫn trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế. Ngoài ra, còn do tình hình lãi suất tăng cao, làm giảm dòng tiền và EVN chậm thanh toán tiền cho các dự án của công ty…
Cổ phiếu VND sau đó phản ứng với việc xả bán mạnh và điều chỉnh xuống vùng giá thấp. Hồi cuối tháng 10-2022, VND cũng trải qua nhiều phiên giảm sàn liên tiếp khi xuất hiện tin đồn về thanh khoản trái phiếu của Trung Nam. Lãnh đạo VNDirect còn phải lên tiếng đính chính thông tin.
Trải qua nhiều sóng gió, đến hiện tại, VND đã phục hồi và giao dịch quanh mức 23.500 đồng/cp sau thời điểm xuống chỉ còn khoảng 17.000 đồng/cp.
Trên báo cáo tài chính quý 2-2023, VNDirect chưa ghi nhận lãi/lỗ của trái phiếu doanh nghiệp theo cơ chế phương pháp điều chỉnh theo giá thị trường. Toàn bộ số trái phiếu đều có giá trị hợp lý bằng giá gốc.
Thời gian qua, để bù lại khoản vốn "găm" lại ở trái phiếu, VNDirect đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 18.000 tỉ đồng.
Hiện cổ đông lớn của VNDirect là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã CK: IPA) với tỉ lệ sở hữu 25,84% vốn. Doanh nghiệp này do ông Vũ Hiền làm chủ tịch HĐQT.
Ông Hiền là chồng bà Phạm Minh Hương - tổng giám đốc VNDirect, đồng thời cũng là thành viên HĐQT của VNDirect. Bà Hương hiện cũng là thành viên HĐQT IPA.
IPA cũng từng ghi nhận nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam với hơn 900 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có gần 64 tỉ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Sunbay Ninh Thuận.
Tuy nhiên tại báo cáo tài chính quý 2-2023, IPA không còn ghi nhận 2 khoản đầu tư trái phiếu này tại thời điểm ngày 30-6-2023. Tuy nhiên thông tin chi tiết liên quan đến hoạt động này chưa được IPA thuyết minh rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận