Buổi tư vấn trực tiếp "Nhóm ngành y dược gồm những ngành nào, cơ hội việc làm ra sao?" diễn ra tối 4-1 - Ảnh chụp màn hình
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Không đủ sức vào y dược, có thể chọn ngành nào?
Bạn Nguyễn Trân (Đồng Tháp) yêu thích ngành y học cổ truyền nhưng đang lo lắng vì bản thân ở vùng quê nên có thể sức học không bằng học sinh TP.
Trao đổi với nữ sinh này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo đại học Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết ngành y học cổ truyền kết hợp giữa y học hiện đại với tinh hoa của nền y học dân tộc. Hiện nay điểm chuẩn của ngành y học cổ truyền thường thấp hơn ngành y khoa.
Cũng như các ngành khối khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ ngành nghề, thí sinh muốn xét tuyển ngành y học cổ truyền phải đạt mức điểm tối thiểu (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) do Bộ GD-ĐT quy định.
"Nếu không đủ điểm trúng tuyển vào ngành này, thí sinh có thể chọn các ngành khác: điều dưỡng, hộ sinh, xét nghiệm, vật lý trị liệu, gây mê hồi sức, y học dự phòng, y tế công cộng... Học những ngành học này các bạn vẫn được làm việc trong lĩnh vực y tế và cơ hội việc làm cũng rất cao" - thầy Khôi cho hay.
TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng thường trực Trường đại học Duy Tân - cũng nhấn mạnh: "Nếu không đủ sức vào các ngành bác sĩ, dược sĩ thì các bạn có thể chọn ngành điều dưỡng hoặc các ngành kỹ thuật y học để theo đuổi đam mê và được làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh".
Bạn Trương Thị Trân Châu quan tâm đến ngành dinh dưỡng và muốn biết về cơ hội việc làm của ngành học này.
PGS.TS Phạm Hiếu Liêm - phó trưởng phòng điều hành Phòng quản lý đào tạo đại học Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết tất cả các bệnh viện hiện nay rất cần nhân lực ngành dinh dưỡng, vì phải có ngành này các bệnh viện mới được xếp các thứ hạng theo quy định mới của Bộ Y tế là bắt buộc các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng.
"Dinh dưỡng ở đây không đơn thuần là thức ăn, thức uống, còn là dinh dưỡng cho bệnh nhân của từng bệnh khác nhau. Dinh dưỡng lâm sàng hiện nay có trọng trách rất lớn. Do vậy học ngành này chắc chắn không thất nghiệp" - thầy Liêm khẳng định.
Nhiều phương thức xét tuyển
TS Võ Thanh Hải lưu ý thêm chỉ tiêu xét tuyển học bạ dành cho các ngành y dược ở các trường rất ít, điều kiện sơ tuyển thí sinh phải tốt nghiệp loại giỏi, điểm tối thiểu 21 điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh nên chọn thêm các phương thức xét tuyển khác nhau, trường khác nhau để có thêm cơ hội trúng tuyển, đừng để xảy ra tình huống 29 điểm vẫn rớt đại học do chỉ chọn một phương thức duy nhất.
Tương tự, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương - phó trưởng phòng truyền thông Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cũng khuyên: "Những bạn yêu thích ngành y dược nhưng lo lắng về sức học của mình cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để xem mình đủ điều kiện xét tuyển vào đại học không.
Nhiều bạn nghĩ rằng hiện chỉ có một phương thức xét tuyển điểm THPT vào nhóm ngành y dược nhưng thực tế còn có phương thức khác. Đặc biệt, với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM là một cơ hội thí sinh nên thử sức để có thể có cơ hội trúng tuyển".
Cơ hội ở bậc trung cấp, cao đẳng
ThS Phạm Minh Nhựt - trưởng khoa y dược Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho hay trong khối ngành y dược hiện nay có đào tạo ở các bậc học: trung cấp, cao đẳng, đại học. Những bạn năng lực học tập không đủ để trúng tuyển đại học ngành dược có thể chọn bậc học thấp hơn.
Ngành dược bậc cao đẳng đào tạo 3 năm, đào tạo người học có khả năng tư vấn, cung cấp thuốc cho hệ thống y tế. Sau đó, cũng có thể học liên thông lên đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận