Ngày 28-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Thạch - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu - cho hay chiều cùng ngày lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã giao đơn vị này phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu và một số cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh nội dung Tuổi Trẻ phản ánh trong bài phóng sự điều tra về tình trạng buôn bán ngầm "đất hiếm".
Theo ông Thạch, nội dung đăng trên Tuổi Trẻ cho thấy tình trạng buôn bán ngầm "đất hiếm" diễn ra ở nhiều địa phương nên phải cần cơ quan công an vào cuộc để xác minh.
Ông Sùng Lử Páo - chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) - thông tin với phóng viên Tuổi Trẻ, sau khi đọc bài phóng sự điều tra, ngay trong chiều cùng ngày ông đã giao Công an huyện Tam Đường vào cuộc xác minh. "Đến nay Công an huyện Tam Đường vẫn chưa có thông tin chính thức...", ông Páo nói.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Lan Anh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu - cho biết theo quy định hiện hành thì trách nhiệm quản lý khu diện tích đã cấp phép ở mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu. Còn khu vực bên ngoài mỏ có quặng chưa được cấp phép chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ.
"Nắm bắt thông tin từ bài phóng sự điều tra, tôi đã cử cán bộ phối hợp với UBND huyện Tam Đường xuống tận nơi để kiểm tra, ghi nhận thông tin...", bà Lan Anh cho biết.
Còn ông Vũ Tiến Tú - giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - lại cho rằng đơn vị này mới quản lý 19ha đã giải phóng mặt bằng ở mỏ đất hiếm Đông Pao, ngoài ra, phần diện tích khác chưa được đền bù giải phóng mặt bằng thì còn rất rộng.
Ông Tú cho hay qua những hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ cung cấp về tình trạng buôn bán ngầm "đất hiếm", ông đã cử nhân viên công ty mang theo bằng chứng đến phối hợp, làm việc với Công an huyện Tam Đường.
Một "thế giới ngầm" các đường dây đào trộm, buôn bán "đất hiếm"
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài phóng sự điều tra, "đất hiếm" đang bị đào trộm, rao bán ngầm. Đất hiếm có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi, trồng trọt…
Theo tài liệu địa chất từ năm 1958 đến nay, nước ta có khoảng 18 triệu tấn đất hiếm. Số liệu thống kê của Cục Địa chất Mỹ (USGS) cho biết năm 2020, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới.
Chính vì tầm quan trọng này mà ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 02 yêu cầu việc "khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ". Thế nhưng một "thế giới ngầm" các đường dây đào trộm, buôn bán "đất hiếm" vẫn diễn ra. Đáng chú ý không chỉ "đất hiếm" thô, lõi đất hiếm, mà "đất hiếm" đã tuyển thành dạng bột cũng được rao bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận