24/02/2014 06:11 GMT+7

Nhiều cơ hội ở quê nhà

TRÀ GIANG - TẤN VŨ
TRÀ GIANG - TẤN VŨ

TT - Trước tình hình thiếu hụt nhân công, chính quyền các tỉnh miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp để níu chân lao động. Nhưng mọi thứ vẫn chưa có đường ra.

Kỳ 1:

J8kh2Xvf.jpgPhóng to
Từ nay đến năm 2015, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cần khoảng 20.000 lao động. Đây là cơ hội lớn cho các bạn trẻ quê tỉnh này - Ảnh: Việt Hùng

Doanh nghiệp vẫn thiếu, lao động vẫn phải đi xa...

Vào Nam đã giảm nhưng vẫn thiếu

Bà Cù Thị Thanh Mai - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi - nhìn nhận: không chỉ sau tết mà ngay trong năm, nguồn lao động Quảng Ngãi vẫn nườm nượp vào Nam, sau tết chỉ là cao điểm. Theo thống kê, từ năm 2009-2012 mỗi năm có khoảng 65.000 lao động Quảng Ngãi đi các tỉnh khác (chủ yếu các tỉnh phía Nam) tìm kiếm việc làm. “Chúng tôi thấy hiện tượng này nhưng không thể giữ chân họ được bởi vào Nam cơ hội tìm việc dễ hơn, thu nhập cao hơn, các chế độ chính sách cho người lao động cũng tốt hơn” - bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, năm 2014 số lao động vẫn còn vào Nam nhưng có giảm do các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh kéo lao động về quê. Số lao động không về là lao động tự do, họ buôn bán lặt vặt ở TP.HCM hay các tỉnh phía Nam. Một số có thu nhập ổn định và số khác do không có tay nghề nên không trở về làm cho các doanh nghiệp được.

Tuy không thiếu rát nhưng những công ty như Công ty TNHH điện tử Foster, Công ty giày Rieker VN tại Quảng Ngãi dù tuyển dụng đủ gần 10.000 lao động vẫn đặt hàng cho tỉnh thêm 6.000 lao động đến năm 2015 (hiện nay họ có 6.000 công nhân). Còn Foster tăng lên gấp ba lần vào thời gian đó, từ 2.000 lên 6.000 lao động. Cuối tháng 2, Quảng Ngãi sẽ có hội thảo với các doanh nghiệp để nắm bắt họ cần lao động loại gì, số lượng bao nhiêu, lao động trung cấp, sơ cấp hay cao đẳng để lên kế hoạch đào tạo và cung ứng.

Riêng tại dự án VSIP ở Quảng Ngãi, bước đầu đã kéo được bốn doanh nghiệp vào đầu tư và họ đã đặt hàng, ký biên bản ghi nhớ với tỉnh tuyển trên 10.000 lao động đến năm 2015. Chỗ làm tăng nhưng lao động ở đâu vẫn còn là bài toán khó.

Để chủ động, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt dự án đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc các hộ dân nhường đất cho dự án trong Khu kinh tế Dung Quất từ nay đến năm 2018. Mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 3.600 lao động và tập huấn chuyển đổi ngành nghề cho 2.400 lao động các hộ gia đình tái định cư và bị thu hồi đất, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động, vận động và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề theo hướng công nghiệp và dịch vụ cho khoảng 2.400 lao động. Dẫu vậy, con số đó vẫn còn thiếu so với nhu cầu.

Chủ động tìm lối ra

Trong khi đó tại Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH liên tục tổ chức các phiên giao dịch, hội chợ việc làm thu hút lao động. Đầu tháng 2-2014, có 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Nam cần tuyển 3.626 vị trí việc làm gồm nhiều trình độ, cả lao động phổ thông. Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hoạt động ở nhiều ngành nghề gồm may mặc, cơ khí, chăn nuôi, kinh doanh, kế toán, phiên dịch... Hầu hết các vị trí việc làm đều có mức lương phổ biến từ 2,5-8 triệu đồng/tháng, nhưng đến cuối phiên giao dịch đa số doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ lao động.

Ông Lê Tôn Tưởng - giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Nam - cho biết có những đơn vị năm ngoái khó khăn nhưng năm nay đã có đơn hàng sản xuất đến đăng ký tuyển dụng tại sàn. Và một số công ty đang xây dựng cũng tuyển lao động để chuẩn bị cho giai đoạn sản xuất tiếp theo. Tuy không thiếu gắt nhân lực nhưng cũng không đủ nhiều để chọn lựa theo ý.

Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Khu công nghiệp TP Đà Nẵng Huỳnh Viết Tư cho hay UBND TP Đà Nẵng cũng có chính sách về đào tạo lao động cho địa phương để đáp ứng nhu cầu hiện tại. “Hộ nghèo, hộ giải tỏa, bộ đội phục viên... sẽ được ưu tiên đào tạo trước. Chúng tôi sẽ nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp rồi đào tạo nghề cho người lao động trước khi họ được tuyển dụng. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn chưa bắt kịp nhu cầu của thị trường lao động khá phong phú hiện nay” - ông Tư cho hay.

Ngoài ra, để thu hút lao động, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Tư, chính quyền Đà Nẵng còn cho phép trung tâm này mở rộng các dịch vụ đào tạo công nhân làm cả việc giới thiệu sản phẩm mới, làm đối tác cung cấp dịch vụ hậu cần, dạy nấu ăn phục vụ công nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp ở địa phương này vẫn đỏ mắt chờ người.

Đãi ngộ để giữ và tìm người giỏi

Giám đốc truyền thông của Tập đoàn ôtô Trường Hải Nguyễn Một cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động của tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất nước này chưa bao giờ ngừng nghỉ. Tuy nhiên, tập đoàn đang cần lao động có hàm lượng trí tuệ cao, đặc biệt là các chuyên gia trong và ngoài nước cho lĩnh vực đặc thù của tập đoàn.

“Chúng tôi thưởng đến bốn tháng thu nhập, rất cao cho một lao động xuất sắc. Với cam kết rằng sự đãi ngộ để phát huy năng lực cá nhân là một trong những điều cần thiết. Và chúng tôi biết rằng ngoài công nghệ thì con người là tài sản lớn nhất của mọi doanh nghiệp” - ông Một nói.

TRÀ GIANG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên