19/06/2014 19:00 GMT+7

Nhiều cổ đông lớn đang thao túng ngân hàng

L.THANH
L.THANH

TTO - Ngày 19-6, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định.

BwpMKuLN.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: TTO

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đến nay một số tổ chức tín dụng chưa chủ động điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần theo đúng quy định. Qua kết quả thanh tra cho thấy ở không ít ngân hàng TMCP cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Để chấn chỉnh tình trạng này, trong dự thảo thông tư, Ngân hàng Nhà nước chia ra hai trường hợp là sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tính từ thời điểm trước và sau ngày Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực (1-1- 2011).

Trường hợp thứ nhất: đối với sở hữu cổ phần vượt giới hạn phát sinh trước ngày 1-1-2011, Ngân hàng Nhà nước đề nghị chậm nhất là hết quý 1 năm sau tổ chức tín dụng phải có kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn.

Đồng thời cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải chuyển nhượng cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được quyền biểu quyết đối với số cổ phần sở hữu vượt tỉ lệ quy định. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được đề cử, ứng cử làm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng bầu bổ sung hoặc bầu nhiệm kỳ mới hội đồng quản trị, ban kiểm soát trong thời gian còn sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ.

Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng mới cho cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định của pháp luật. Trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn đang có dư nợ tín dụng tại tổ chức tín dụng mà mình đang là cổ đông, tổ chức tín dụng đó phải có biện pháp để sớm thu hồi toàn bộ dư nợ các khoản tín dụng của các đối tượng này chưa thanh toán.

Trường hợp thứ hai: đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh sau ngày 1-1-2011, tổ chức, cá nhân có liên quan bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải xử lý số cổ phần sở hữu vượt giới hạn quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Nếu không thực hiện theo quy định trên thì cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó bị áp dụng các biện pháp xử lý quy định, đồng thời cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải chuyển nhượng cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được quyền biểu quyết đối với số cổ phần sở hữu vượt tỉ lệ quy định...

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chốt quy định cứng trong dự thảo thông tư về nguyên tắc chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cổ phần. Theo đó, việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông thường thành cổ đông lớn và ngược lại phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi tiến hành chuyển nhượng và thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước...

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên