20/05/2024 08:26 GMT+7

Nhiều chính sách quan trọng được HĐND TP.HCM thông qua

Ngày 19-5, HĐND TP.HCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 15 thông qua báo cáo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quyết nghị các chính sách quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bầu phó chủ tịch UBND TP.

Không gian dọc sông Sài Gòn sẽ là động lực mới, điểm nhấn quy hoạch, tạo thêm một không gian phát triển. Trong ảnh: sông Sài Gòn đoạn quận 1 nhìn qua TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không gian dọc sông Sài Gòn sẽ là động lực mới, điểm nhấn quy hoạch, tạo thêm một không gian phát triển. Trong ảnh: sông Sài Gòn đoạn quận 1 nhìn qua TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tham dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

TP.HCM phát triển 5 vùng đô thị

Theo báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, TP định hướng phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm. Trong đó, ba đô thị hình thành trước năm 2030 là đô thị Nam TP, phía Tây, phía Bắc và hai đô thị hình thành sau năm 2030 là Củ Chi, Cần Giờ.

TP.HCM cũng tập trung mở rộng hệ thống giao thông có tính chất liên kết vùng. Trong đó dự kiến đề xuất một mạng lưới đường sắt đô thị mang tính chất tổng thể, dài hạn cho tầm nhìn đến năm 2060 với tổng chiều dài khoảng 520km.

Và đề xuất bổ sung ba tuyến tàu điện hoặc xe buýt nhanh (LRT/BRT) nối Củ Chi, tuyến nối Cần Giờ và tuyến vòng cung Tây Bắc.

TP cũng tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm, thu phí xe vào giờ cao điểm.

TP còn đề xuất phát triển đô thị theo định hướng phức hợp.

Trong đó định hướng phát triển đô thị sinh thái tại khu vực huyện Cần Giờ, phát triển công viên sinh thái Bình Quới - Thanh Đa...

Nghiên cứu quy hoạch một số khu vực phù hợp với loại hình thương mại tự do; nghiên cứu về hồ điều tiết, hệ thống kênh, rạch, sông nhân tạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng khi thực hiện quy hoạch, TP tính toán có chừng mực để tránh đầu tư hạ tầng lớn nhưng hiệu quả phục vụ không cao.

Ông Mãi cũng cho rằng năm phân vùng đô thị phải hình thành khu đô thị gần như hoàn chỉnh, đặt mục tiêu 60% chức năng đô thị phải được thực hiện tại chỗ. TP cũng tính toán khu trung tâm hiện hữu thì hạn chế tối đa việc phát triển mới.

Còn không gian dọc sông Sài Gòn là động lực mới, điểm nhấn cho quy hoạch lần này, không đặt nặng hoạt động kinh tế mà tạo thêm một không gian phát triển.

Dành 350 tỉ đồng nâng cấp giao thông

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP.HCM cũng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý là đã thống nhất đầu tư 350 tỉ đồng từ ngân sách TP để tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông. TP sẽ cải tạo, nâng cấp một đoạn quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và một đoạn đường tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi).

Xây hai cầu bộ hành trên quốc lộ 1K (Thủ Đức) và trên tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).

Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 76 giao lộ trên địa bàn TP cũng được triển khai nhằm đảm bảo an toàn giao thông...

Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất miễn lệ phí cho năm dịch vụ công trực tuyến gồm lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

Lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng... và nhiều quyết sách khác.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM ngay sau khi kết thúc kỳ họp nghiêm túc triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết của HĐND TP.

Đồng thời chỉ đạo các sở ngành phối hợp với các ban của HĐND rà soát các nghị quyết, đánh giá tính khả thi, sự bất cập trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

TP.HCM có 2 tân phó chủ tịch UBND TPTP.HCM có 2 tân phó chủ tịch UBND TP

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải được HĐND TP.HCM khóa X bầu làm 2 phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên