Nhiều câu hỏi về SGK chưa được giải đáp từ NXB Giáo Dục. Trong ảnh: phụ huynh và học sinh tại TP.HCM mua SGK cho năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy nhiên với lý do lãnh đạo chỉ có thể dành cho báo chí một cuộc gặp 45 phút nên nhiều câu hỏi nóng đã không được trả lời.
Không thiết kế để học sinh viết vào sách
Xung quanh lý do " (SGK) chỉ sử dụng một lần do học sinh viết vào sách", ông Hoàng Lê Bách, tổng giám đốc NXB Giáo Dục VN, khẳng định NXB Giáo Dục VN không thiết kế để học sinh viết vào sách.
"Ngoài các câu hỏi, dạng bài tập truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi nối, kết... để học sinh dễ dàng thực hiện trên vở ghi" - ông Bách giải thích.
Theo ông Bách thì dạng bài tập trên là xu thế chung của SGK các nước phát triển. Để minh chứng, ông Lê Hoàng Hải - phó tổng giám đốc NXB Giáo Dục VN - đã đưa ra một số cuốn sách toán, sách dạy tiếng của Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Úc cũng có các dạng bài tập kiểu này.
"Dạng bài tập này cũng không phải mới có ở bộ SGK hiện hành mà xuất hiện ở SGK toán tiểu học từ năm 1976, 1989, 1993..." - ông Hải cho biết.
Đại diện NXB Giáo Dục VN cũng cho biết các tác giả đã có ý thức nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên, trong chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong sách. Có sách đã lưu ý cuối trang "Học sinh chép và làm vào vở bài tập".
"Trong văn bản chỉ đạo số 7509 của Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2004 cũng yêu cầu giáo viên nhắc học sinh không viết, vẽ vào SGK để giữ gìn sách lâu bền" - ông Hải cung cấp thêm.
Nhiều nhà báo đã phản biện lại các sách NXB Giáo Dục nêu ra ở các nước chỉ là một số trong nhiều bộ SGK khác nhau.
"Thực tế, sách của bậc THCS ở nhiều môn học cũng thế, có dạng viết vào sách này, như sách vật lý lớp 8..." - một ý kiến của phóng viên đưa ra song lãnh đạo NXB Giáo Dục VN không trả lời câu hỏi này.
SGK: "Luôn bị lỗ"(?)
Lãnh đạo NXB Giáo Dục VN khẳng định do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán sách 8 năm qua không đổi nên dù tiết kiệm chi phí hoạt động vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, "dẫn đến hoạt động xuất bản SGK luôn bị lỗ".
NXB này phải sử dụng các nguồn thu khác để "bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng".
"Theo báo cáo tài chính mỗi năm NXB Giáo Dục VN vẫn có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng và thu về lợi nhuận cao nhưng lại nói lỗ. Vậy NXB có thể cho biết số lượng phát hành và doanh thu từ sách tham khảo là bao nhiêu để có thể bù lỗ cho SGK?" - một câu hỏi được chuyển đến lãnh đạo NXB Giáo Dục VN.
Xung quanh câu chuyện "lỗ - lãi" này, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra, như chi phí trung bình cho một cuốn SGK, có hay không việc đẩy mạnh phát hành sách tham khảo "độn" cùng SGK theo hệ thống nhà trường nhằm "bù lỗ", thậm chí thu lợi nhuận cao, tại sao NXB báo lỗ từ nguồn SGK nhưng vẫn chiết khấu cao?...
Tuy nhiên, toàn bộ những câu hỏi liên quan đến vấn đề này của phóng viên đều không được đại diện NXB Giáo Dục VN hồi đáp.
Sách tham khảo, vở bài tập in "độn" SGK
Trả lời Tuổi Trẻ về các loại vở bài tập in đi kèm SGK - một loại vở dùng một lần hầu như được yêu cầu 100% học sinh mua và sử dụng ở các trường học khu vực đô thị, ông Lê Hoàng Hải cho biết nhiều nước cũng có dạng vở bài tập in như thế này, nhiều nhất là vở luyện chữ. Nên việc đưa ra dạng "vở in" này là bình thường.
Ông Hải khẳng định NXB Giáo Dục VN chỉ có duy nhất một thông báo danh mục SGK cần cho mỗi lớp học, đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Còn trường hợp các thông báo danh mục sách bao gồm cả các loại sách, vở in nằm ngoài danh mục là do các công ty sách - thiết bị trường học địa phương phát hành sách tham khảo của các công ty con của NXB Giáo Dục VN giới thiệu để phát hành.
Tuy nhiên, trao đổi lại với lãnh đạo NXB Giáo Dục VN, các phóng viên vẫn khẳng định việc "độn" sách tham khảo vào SGK là phổ biến và được giới thiệu, ép buộc phụ huynh học sinh phải mua.
Cùng với đó, việc hầu hết học sinh, nhất là bậc tiểu học dùng vở bài tập in như quy định bắt buộc cũng không được lãnh đạo NXB Giáo Dục VN giải thích thấu đáo trách nhiệm làm sai này thuộc về ai, công ty phát hành, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên?
Tránh trả lời trực diện vào câu hỏi về việc này, lãnh đạo NXB Giáo Dục VN chỉ giải thích chung rằng họ có giám sát việc phát hành SGK đảm bảo đúng tuyến, chống khan hiếm sách cục bộ...
Năm 2018 có 35% sách cũ
Năm 2018, cả nước có 17 triệu học sinh các cấp, trung bình mỗi học sinh sử dụng 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh đều dùng sách mới thì số lượng sách cần in là 170 triệu bản.
Nhưng trên thực tế, NXB Giáo Dục VN chỉ in 110 triệu bản, đáp ứng 65% nhu cầu, còn khoảng 35% sử dụng lại sách cũ, tương đương với khoảng 60 triệu bản.
(Nguồn: NXB Giáo Dục VN)
Ông Lê Hoàng Hải so sánh SGK của VN với SGK của một số quốc gia - Ảnh: N.HÀ
Có thể phụ huynh chưa biết?
* Nội dung SGK về cơ bản không thay đổi so với bản đầu tiên phát hành cách đây 16 năm.
* Giá bán SGK không thay đổi trong 8 năm qua (từ năm 2011).
* Danh mục SGK của từng lớp được in trên bìa 4 của sách, căn cứ vào đó phụ huynh, học sinh chọn mua đúng tên, số lượng SGK theo quy định.
* NXB Giáo Dục VN chỉ chịu trách nhiệm xuất bản và phát hành SGK trong danh mục được Bộ GD-ĐT quy định từ lớp 1 đến lớp 12, thông qua hệ thống các công ty sách - thiết bị trường học thuộc các tỉnh thành, không trực tiếp phát hành tới các trường.
* Mảng sách tham khảo do các công ty con của NXB Giáo Dục VN tự khai thác, phát hành, còn NXB Giáo Dục VN kiểm duyệt nội dung, cấp phép. Sách tham khảo của NXB Giáo Dục cạnh tranh công bằng với sách tham khảo của 60 NXB khác trên cả nước.
(Thông tin NXB Giáo Dục VN cung cấp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận