Thượng tá Trần Văn Dương - trưởng phòng tham mưu Công an TP Cần Thơ, trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo chiều 24-10 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thượng tá Trần Văn Dương - trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Cần Thơ - chủ trì và không trả lời câu hỏi vì sao tịch thu 20 viên kim cương của chủ doanh nghiệp để trong tủ, không bày bán. Lý do: chủ doanh nghiệp... không khiếu nại.
Công an khám xét nhà 2 lần?
Công an TP Cần Thơ cho hay vụ việc được cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ bắt quả tang. Tổ chức, cá nhân bị phạt đã thừa nhận sai phạm.
Cụ thể, vụ việc xảy ra vào lúc 11h15 ngày 30-1-2018. Lực lượng phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (ở đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều) với giá 2.260.000 đồng. Trong khi ông Lực không xuất trình được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Khi có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm, công an TP trình chủ tịch UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với anh Rê là 90 triệu đồng, chủ cơ sở nhận đổi 100 USD bị phạt 180 triệu đồng. Doanh nghiệp này còn bị phạt thêm một số vi phạm khác trong kinh doanh, sản xuất với tổng số tiền 295 triệu đồng.
Cơ quan chức năng còn tịch thu của tiệm vàng 20 viên kim cương, gần 19.910 viên đá tổng trị giá hơn 548 triệu đồng.
Tại buổi họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ nêu ra một số tài liệu cho thấy lực lượng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã tiến hành khám xét nhà ông Lê Hồng Lực hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 5-5-2017 và lần thứ hai là vào ngày 30-1-2018. Tất cả các quyết định này đều do chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều Dương Tấn Hiển ký theo đề xuất của trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ.
Đáng chú ý, quyết định khám xét nhà ông Lực vào thời gian từ 10h-15h ngày 30-1-2018 được ký ban hành trước đó 6 ngày, thời gian bắt quả tang vụ mua bán USD cũng trùng với khung thời gian khám xét nhà của ông Lực. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Dương nói ngắn gọn: việc khám xét nhà là đúng quy định. Phía doanh nghiệp cũng thừa nhận, chấp hành đóng phạt và cũng không khiếu nại.
"Tôi chưa tiếp cận hồ sơ vụ việc nhưng những gì được báo cáo là công an làm đúng. Tôi cũng khẳng định nếu có việc gài bẫy thì công an phạt anh Rê 90 triệu đồng làm gì. Vấn đề tạm giữ hàng hóa lâu là do án kinh tế rất phức tạp, phải chuyển đổi hình thức điều tra, xác minh. Còn đối với quyết định khám xét nhà thì tôi chưa nắm, có thể do quá trình trinh sát công an đã có cơ sở từ trước rồi mới xin lệnh khám xét.
Hiện cơ quan công an đã trao quyết định xử phạt cho cả hai bên, riêng anh Rê có hoàn cảnh khó khăn công an TP sẽ báo cáo Bộ Công an, UBND TP Cần Thơ để xem xét" - thượng tá Dương nói.
Giải thích vì sao 20 viên kim cương gia đình ông Lực để trong tủ, không bày bán nhưng vẫn bị tịch thu thì thượng tá Dương nói thêm: "Ông Lực không khiếu nại vấn đề này nên tôi không đề cập và không xem xét trả lời".
Chiều 24-10, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Dương Tấn Hiển - người ký hai quyết định khám xét nhà ông Lê Hồng Lực - cho biết việc ban hành lệnh khám xét nhà do ông ký là dựa theo điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Còn chuyện công an bắt quả tang đổi 100 USD là chuyện khác, hai chuyện mang tính chất khác nhau hoàn toàn.
"Thời gian thực hiện khám xét là không có quy định thời hạn. Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi thấy chưa có tiền lệ là để lệnh khám xét lâu, thường thì thực hiện ngay hoặc cao lắm là hai ngày sau đó. Riêng thời gian cụ thể khám xét nhà của công dân được giữ bí mật" - ông Hiển nói.
Tiệm vàng Thảo Lực - nơi xảy ra vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng được dư luận quan tâm
Dân khó nhận biết
Trả lời việc có ít điểm thu đổi ngoại tệ nên người dân thường ra tiệm vàng để giao dịch dẫn đến anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt 90 triệu đồng, ông Trần Quốc Hà, - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ - cho rằng quận huyện nào của TP cũng có điểm thu đổi ngoại tệ.
Toàn TP Cần Thơ có 257 phòng giao dịch của ngân hàng có thu đổi ngoại tệ, 9 đại lý thu đổi ngoại tệ của doanh nghiệp và khách sạn, 50 đại lý thu đổi ngoại tệ là các tiệm vàng. Tuy nhiên theo ông Hà, đúng là hiện không phải người dân có nhu cầu nào cũng biết chỗ nào được phép thu đổi ngoại tệ, chỗ nào không.
Mức xử phạt hành vi mua bán USD trái phép trước đây và hiện nay - Dữ liệu: ÁNH HỒNG - Đồ họa: T.ĐẠT
Nhiều vụ việc phải trả lại vàng, ngoại tệ
* Ngày 24-4-2014, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM phát hiện nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai (đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh) có hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép vì đổi 100 USD cho khách ra tiền Việt.
Công an khám xét, tạm giữ hơn 15.000 USD tại nhà của chủ tiệm vàng và niêm phong 559 lượng vàng tại tiệm. Sau đó cơ quan công an đã gỡ niêm phong vàng, trả lại ngoại tệ tạm giữ. Tháng 6-2014, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt nhân viên của tiệm vàng số tiền 400 triệu đồng.
* Tháng 4-2014, Công an TP.HCM phát hiện ông P.D.Hiếu, chủ tiệm vàng ở quận 3, đang vận chuyển 10kg vàng thỏi, lập biên bản xử lý hành vi buôn lậu. Khám xét, cơ quan công an tạm giữ thêm 13.800 USD. Sau đó, cơ quan công an trả lại ngoại tệ tạm giữ.
Tháng 5-2014, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu 10kg vàng. Ông Hiếu khởi kiện vì cho hay số vàng trên là tài sản riêng vợ chồng ông. Xử sơ thẩm, TAND TP bác yêu cầu của ông này. Xử phúc thẩm tháng 11-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận yêu cầu, buộc UBND TP phải trả lại cho ông Hiếu 10kg vàng...
Ái Nhân
Có thể xin giảm mức phạt
Tối 24-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Trần Ngọc Hạnh - giám đốc Công an TP Cần Thơ - cho biết anh Nguyễn Cà Rê đã nhận quyết định xử phạt nhưng chưa nộp phạt và đã ngỏ lời đề nghị Công an TP Cần Thơ cho miễn nộp phạt.
"Chúng tôi đang xem xét để tham mưu đề xuất UBND TP vì Luật Xử phạt vi phạm hành chính có điều khoản cho phép có thể hoãn, giảm, miễn... cho người vi phạm nếu thực sự người vi phạm quá khó khăn" - ông Hạnh nói.
Trường hợp của anh Nguyễn Cà Rê, ông Trần Quốc Hà cũng cho rằng có nhiều cách xử lý, anh Rê có thể làm đơn xin miễn giảm xử phạt vi phạm hành chính do hoàn cảnh khó khăn.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ):
Xem lại thời hiệu, có thể khởi kiện
Cần xem xét lại thời hiệu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi thời điểm xảy ra hành vi vi phạm hành chính là ngày 30-1-2018, nhưng thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính của Công an TP Cần Thơ là
13-8-2018. Quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ lại ghi ngày 4-9-2018.
Thứ hai, việc cơ quan công an khám xét cơ sở kinh doanh của gia đình ông Lê Hồng Lực có được tiến hành theo đúng quy định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ hay không. Trong đó, ngoài số ngoại tệ 100 USD còn liên quan đến một số tài sản khác của gia đình ông Lực bị tịch thu, tạm giữ nhiều tháng.
Theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, ông Lê Hồng Lực có quyền khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của UBND TP Cần Thơ.
H.T.Dũng
Đề nghị xem lại mức xử phạt
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng dù mong muốn hình phạt mang tính răn đe, tuy nhiên mức xử phạt với hành vi mua bán USD trái phép nên xem xét lại. Hiện nay theo quy định chỉ áp dụng một mức "cứng" là từ 80-100 triệu đồng, mức chênh lệch rất ít và cơ quan chức năng thường lấy trung bình giữa hai mức này là 90 triệu. Như vậy, một người mua bán trái phép 1 USD, 100 USD, với 100.000 USD, thậm chí 1 triệu USD sẽ bị xử phạt y như nhau nếu như bị phát hiện.
Do vậy nên xem xét lại mức xử phạt theo hướng quy định mức khởi điểm xử phạt. Nếu trường hợp phát hiện giao dịch với số lượng lớn thì mức phạt sẽ căn cứ theo số lượng, giá trị vi phạm. Quan trọng nhất là chấn chỉnh để giảm tình trạng mua bán USD tại thị trường tự do, không để hoạt động này diễn ra công khai.
A.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận