Tàu trọng tải lớn trên đường vào luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chủ cảng lo lắng vì độ sâu luồng không đảm bảo an toàn, không thể đón tàu lớn. Trong khi luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải được coi là "mạch máu" cho hoạt động của gần chục bến cảng container nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải cũng như cả chục cảng khác dọc sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hơn 365 ngày chưa được cấp phép
Để giải quyết nhu cầu đổ bùn nạo vét, từ tháng 8-2011, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn. Đây là địa phương duy nhất cả nước có quy hoạch điểm đổ bùn nạo vét.
Duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải là việc làm thường niên do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.
Giữa năm 2017, Cục Hàng hải VN phê duyệt duy tu luồng này đến -14m với khối lượng nạo vét dự kiến hơn 400.000m3 bùn, kinh phí khoảng 70 tỉ đồng.
Ngày 14-8-2017, tổng công ty này gửi đơn, hồ sơ trình Bộ TN-MT xin cấp phép nhận chìm bùn ở "khu vực A" đã được Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch. Tuy nhiên đến nay sau đúng một năm và nhiều lần chỉnh sửa, giấy phép nhận chìm bùn vẫn chưa có.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Thi - phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam - cho biết do hồ sơ nhận chìm không được cấp phép, không thể nạo vét luồng nên trước ngày 31-12-2017, số tiền bố trí để nạo vét phải trả lại cho Nhà nước.
"Luồng không được duy tu nạo vét sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn cho các tàu có trọng tải lớn ra vào cảng" - ông Thi nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hồ sơ nhận chìm bùn nạo vét của doanh nghiệp trên được trình gửi lên Tổng cục Biển và hải đảo VN. Theo quy định của nghị định 40/2016 của Chính phủ, tổng cục trên đã trễ hẹn với doanh nghiệp gần 150 ngày.
Vì chờ cấp phép nhận chìm quá lâu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngành chức năng đã phải chọn vị trí đổ bùn cho luồng Vũng Tàu - Thị Vải ở khu đất rộng 40ha tại sông Mỏ Nhát (khu vực B đã được quy hoạch).
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tạ Đình Thi - tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN - xác nhận cấp phép chậm và cho biết "nhận chìm bùn nạo vét ở biển là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Do đó, khuyến khích doanh nghiệp tìm được điểm đổ bùn trên bờ là tốt nhất" - ông Thi nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trên bờ chỉ là giải pháp trước mắt và khó tìm được nơi đủ sức chứa.
Doanh nghiệp cảng lo lắng!
Việc ách tắc chậm trễ khơi thông "mạch máu xương sống" Vũng Tàu - Thị Vải làm cho các chủ bến cảng dọc sông Thị Vải lo lắng.
Ông Đoàn Khắc Hiệp - trưởng phòng khai thác cảng SP-PSA - cho biết hằng năm bến cảng này phải duy tu, nạo vét để đạt độ sâu ở vùng nước trước bến đến -14,5m để có thể đón được tàu trên 100.000 tấn.
"Nếu luồng không đảm bảo, những tàu có trọng tải lớn sẽ từ chối vào cảng vì sự an toàn" - ông Hiệp nói.
Ngày 16-8, tại buổi tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, nhiều doanh nghiệp cũng tiếp tục lên tiếng về chuyện đổ bùn nạo vét.
Ông Kunta Akira, tổng giám đốc Công ty TNHH cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), nói rằng đón được những tàu cỡ lớn là vinh dự của cảng nhưng hiện cũng là thách thức vì nạo vét luồng, nhận chìm bùn nạo vét đang khó.
Trả lời, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu - yêu cầu giám đốc Sở TN-MT phải nỗ lực để thúc đẩy bởi nếu không là tự kéo mình thụt lùi. "Tôi không đổ thừa ai hết, nhưng chỉ thấy rằng chúng ta quá dở..." - ông Lĩnh bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trình - chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - nói: "Cảng nước sâu container Cái Mép - Thị Vải là lợi ích quốc gia. Đổ bùn nạo vét là nhu cầu thường xuyên vì tốc độ phát triển của cảng và các dự án cảng.
Nếu không nạo vét luồng, tàu lớn phải canh con nước để vô thì họ sẽ đi cảng khác hay sẽ mất thêm thời gian. Trong khi tỉnh đã có quy hoạch vùng đổ bùn, do đó Bộ TN-MT nên ủy quyền cho tỉnh trong việc cấp phép để doanh nghiệp không phải ra bộ, không phải kêu than" - ông Trình đề nghị.
Trách nhiệm của cả hai bên
Trả lời lý do chậm cấp phép nhận chìm bùn nạo vét cho luồng Vũng Tàu - Thị Vải so với quy định, ông Tạ Đình Thi - tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN - giải thích: việc này có trách nhiệm của cả hai bên.
Thứ nhất đây là việc phức tạp. Thứ hai, lần đầu tiên triển khai Luật tài nguyên - môi trường biển nên cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả địa phương đều gặp lúng túng.
Cũng theo ông Thi, việc triển khai nhận chìm bùn nạo vét theo Luật tài nguyên - môi trường biển, cơ quan này vẫn triển khai bình thường nhưng việc này bây giờ rất nhạy cảm và phức tạp vì nhân dân rất quan tâm.
Do đó, cần phải làm từng bước thật kỹ. Giải pháp lâu dài, ông Thi cho biết phải tham khảo ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, xin ý kiến các bộ, ngành để đảm bảo nguyên tắc: đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế, chi phí hợp lý cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận