Với những người làm chính sách, đây là yêu cầu bắt buộc, nếu không các quyết định sẽ rơi vào cảm tính hoặc quán tính, gây ra nhiều hậu quả xấu. Đặt trong hệ quy chiếu này, việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện thi đợt 2 là cần thiết vì được nhiều hơn mất.
Trong tình hình hiện tại, nếu đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh này, hoàn toàn không thấy có rủi ro gì lớn cho các em, cho ngành giáo dục và cho xã hội nói chung.
Nếu có điều gì đó khác đi so với việc tổ chức kỳ thi, có tiềm năng gây ra các hậu quả cần xử lý, thì sự khác đó sẽ nằm ở 2 điểm sau.
Thứ nhất, ước tính sẽ có khoảng 500 thí sinh "đỗ oan", tức lẽ ra trượt theo tỉ lệ tốt nghiệp chung hằng năm, thì nay thành ra đỗ vì được đặc cách. Nhưng đỗ hay trượt là dựa trên các tiêu chuẩn tương đối.
Những em lẽ ra trượt này đã học hết chương trình giáo dục phổ thông 12 năm, dù có một chút yếu về kiến thức thì chưa chắc đã kém về kỹ năng và phẩm chất hơn so với các bạn đỗ. Vì thế, việc đặc cách cho các em tốt nghiệp có lẽ còn là một điều tốt cho chính các em.
Rộng hơn, bất cứ học sinh nào học hết bậc THPT đều nên được cấp bằng tốt nghiệp. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội mà cũng không gây ảnh hưởng xấu gì đến tương lai của các em.
Thứ hai, nhóm thí sinh còn lại sẽ không có điểm thi để xét tuyển vào đại học.
Thoạt nhìn, đây có thể là một sự thiệt thòi với các em, nhưng nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy tuy không có điểm nhưng các em vẫn có thể ứng tuyển bằng nhiều hình thức khác, như xét học bạ, thi trắc nghiệm, phỏng vấn trực tiếp bởi các trường...
Việc này có thể sẽ làm các em gặp thêm chút phiền phức, nhưng không làm giảm cơ hội đỗ đại học của các em nếu các trường tổ chức xét tuyển bằng học bạ, thi trực tuyến... cho nhóm thí sinh này.
Như thế, rủi ro của việc đặc cách tốt nghiệp này hầu như không có. Thế còn lợi ích thì sao? Liệu việc đặc cách cho nhóm thí sinh này có mang lại chút lợi ích nào cho các em, cho ngành giáo dục, cho các cơ quan quản lý và cho toàn xã hội?
Với các em, việc được đặc cách tốt nghiệp sẽ giúp các em chính thức kết thúc bậc THPT để chuyển sang giai đoạn học tập và phát triển mới. Khi đó, các em và gia đình có thể cân nhắc và đưa ra các lựa chọn cho tương lai, thay vì chờ đợi trong bất an khi dịch bùng phát mạnh như hiện giờ.
Với ngành giáo dục, đây là một cơ hội cho ngành thí điểm loại hình đặc cách tốt nghiệp, tiến tới bãi bỏ thi tốt nghiệp THPT như nhiều chuyên gia đã đề nghị. Kỳ thi này rất tốn kém mà lại không hiệu quả vì tính chất "2 trong 1" đầy mâu thuẫn của nó.
Nếu năm nay ngành giáo dục đặc cách tốt nghiệp cho nhóm thí sinh này, và có nghiên cứu tổng kết về các lựa chọn tiếp theo của các em và so sánh với đối chứng, đây sẽ là một thí điểm chính sách rất cần thiết cho ngành giáo dục, tạo cơ sở cho việc duy trì hoặc bãi bỏ kỳ thi này trong các năm sau.
Với các cơ quan quản lý, việc đặc cách tốt nghiệp này sẽ tháo gỡ lúng túng và bế tắc trong việc tổ chức kỳ thi này, đặc biệt ở 19 tỉnh thành phía Nam đang bùng dịch, từ đó dồn sức cho việc dập dịch và đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng và sức sản xuất.
Còn với toàn xã hội, lợi ích mà ai cũng thấy của việc cho nhóm thí sinh này đặc cách tốt nghiệp là làm giảm nguy cơ bùng phát dịch, tạo ra nhận thức nhất quán trong tư tưởng và hành động chống dịch.
Xã hội vận hành dựa trên quy luật của số lớn và thời gian dài. Việc có thêm vài trăm học sinh "đỗ oan" tốt nghiệp, hay vài nghìn em phải thay đổi cách thức ứng tuyển vào đại học, sẽ không có ảnh hưởng gì xấu đến sự phát triển dài hạn của toàn xã hội.
Chưa kể dưới góc nhìn lạc quan, việc này còn có thể là một thí điểm chính sách được xã hội đồng thuận, có thể mang lại các lợi ích lớn cho xã hội trong dài hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận