Ông Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ tại Câu lạc bộ Cafe số diễn ra ngày 15-9 - Ảnh: LÊ KIÊN
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn
(Nghị quyết 88 Quốc hội khóa XIII)
Ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đã nói như vậy trong một buổi chia sẻ do Câu lạc bộ Cafe số tổ chức về những điểm mới của chương trình này sẽ thực hiện trong những năm tới - sự kiện diễn ra vào ngày 15-9.
Một hay nhiều bộ SGK?
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, việc có nhiều bộ SGK là xu thế trên thế giới. "Khi đi thực tế để xây dựng chương trình ở nước ngoài, chúng tôi đã đến những trường mà trong một tiết học, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh học với nhiều quyển SGK chứ không phải một quyển.
Nhưng cũng có giáo viên không theo sách nào, mà sử dụng tài liệu dạy học của chính mình biên soạn" - ông Thuyết trao đổi để minh chứng cho việc "nhiều bộ SGK" không phải vấn đề đáng lo ngại.
Vị tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng nhấn mạnh: "Lần đổi mới này sẽ là lần đầu tiên giáo viên được tiếp cận với chương trình.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả nước. Việc này rất khác trước đây, khi giáo viên không biết đến chương trình mà chỉ biết bám vào SGK, sách giáo viên để dạy học".
Chính thực tế này đã khiến nhiều người hiểu sai và không phân tách được chương trình và SGK. Trong đó chương trình là cơ sở để giáo viên tổ chức dạy học, là cái bắt buộc phải thực hiện, được thống nhất trên cả nước, còn SGK chỉ là một trong những tài liệu phục vụ việc dạy học đó, có thể linh hoạt lựa chọn.
"Chúng ta đã có ba lần cải cách, đổi mới giáo dục nhưng đều không xây dựng chương trình chuẩn mà viết luôn SGK. Các lần cải cách năm 1979, 1986, sau khi viết sách xong mới dựa vào sách xây dựng chương trình. Còn lần đổi mới năm 2000, có chương trình nhưng lại không có sự liên kết chặt chẽ giữa chương trình và biên soạn SGK" - ông Thuyết nói.
Khẳng định về xu thế "nhiều bộ SGK" là ưu điểm, ông Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết chương trình mới sắp thực hiện đã xây dựng theo hướng mở, mềm dẻo, linh hoạt.
Việc chuyển từ mục tiêu truyền dạy kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất cũng cho phép các cơ sở giáo dục, giáo viên chủ động sử dụng các phương pháp, tài liệu khác nhau để đạt yêu cầu giáo dục, không nhất thiết phải dạy đúng và hết kiến thức viết trong SGK.
Chọn sách: việc của trường
"Có tỉnh nói sở GD-ĐT nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK, làm như thế là sai. Theo nghị quyết 88 thì cơ sở giáo dục được chọn dựa trên ý kiến của phụ huynh học sinh, giáo viên, tổ bộ môn của các trường. Như vậy chọn sách nào là việc của trường, không phải việc của sở" - ông Thuyết khẳng định.
Trao đổi xung quanh băn khoăn của Tuổi Trẻ về giải pháp nào để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới việc ép buộc các trường, giáo viên, học sinh mua sách, thay đổi sách liên tục gây tốn kém, bức xúc, ông Thuyết cho biết: "Sẽ khó tránh khỏi có những tiêu cực khi áp dụng một chương trình, nhiều bộ SGK. Nhưng luật đã quy định, nếu cứ đúng luật mà thực hiện thì dần dần sẽ ổn. Và ưu điểm trong việc "chủ động chọn sách" sẽ lớn hơn nhiều những tiêu cực mà dư luận đang lo ngại".
Theo ông Thuyết, luật quy định phụ huynh được quyền có ý kiến về việc chọn sách. Vì thế nếu việc tuyên truyền quy định pháp luật tốt sẽ giúp người dân hiểu quyền của mình và góp phần vào việc lựa chọn sách, đảm bảo yêu cầu chất lượng và điều kiện dạy học ở mỗi vùng miền, tránh việc áp đặt từ trên xuống.
Trả lời các câu hỏi về việc "người tham gia xây dựng chương trình được viết SGK không?", ông Thuyết khẳng định theo cam kết với Ngân hàng Thế giới thì việc này hoàn toàn được. Thậm chí Ngân hàng Thế giới còn khuyến khích người xây dựng chương trình có thể tham gia viết bộ sách do Bộ GD-ĐT tổ chức nếu được mời. Nhưng chỉ được tham gia viết sách khi chương trình đã hoàn tất.
"Tháng 1-2018, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình môn học, các nhà xuất bản, nhóm tác giả nhạy bén đã dựa vào đó để tổ chức viết SGK. Tới đây khi chương trình công bố chính thức, các nhà xuất bản, nhóm tác giả chỉ phải chỉnh sửa lại. Cách làm gối như thế sẽ nhanh. Và như vậy nếu chương trình mới thực hiện vào năm học 2019-2020 thì có thể kịp SGK mới" - ông Thuyết chia sẻ.
Tuy nhiên, về bộ sách do Bộ GD-ĐT biên soạn, theo nghị quyết 88 quy định, hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt phương án thực hiện như thế nào.
Quốc hội có thể sửa lại nghị quyết
Trong tuần trước, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những ý kiến cho rằng không thể để tình trạng mỗi trường có một kiểu SGK, một kiểu học.
Điều đó có thể phát sinh tiêu cực mà chương trình giáo dục sẽ không tổng thể, không toàn diện. Câu chuyện nên áp dụng "một chương trình, nhiều bộ SGK" hay vẫn duy trì cách cũ "một chương trình, một bộ SGK" được đặt ra và nhanh chóng trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Câu chuyện này diễn ra khi chủ trương áp dụng "một chương trình, nhiều bộ SGK" đã được chính thức đưa vào nghị quyết 88 của Quốc hội, và đề án chương trình giáo dục phổ thông mới đang ở giai đoạn cuối để công bố cũng xây dựng để phù hợp với xu thế này... Và hiện cũng có nhiều cơ sở, nhóm tác giả đã thực hiện việc biên soạn, chuẩn bị in ấn các bộ sách khác nhau.
"Tôi rất ngạc nhiên vì nghị quyết đã ban hành rồi sao lại vẫn còn có những ý kiến như thế?" - ông Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Theo ông Thuyết thì về thẩm quyền, Quốc hội có thể sửa lại nghị quyết nếu cần thiết phải làm.
Nhưng nếu có như vậy thì cũng cần bàn bạc nội bộ và triển khai theo đúng quy trình và để ban hành một nghị quyết sẽ rất lâu. Việc có ý kiến rộng rãi về một việc đi ngược với nghị quyết Quốc hội đang có hiệu lực trong thời điểm hiện nay, theo ông Nguyễn Minh Thuyết, sẽ dễ làm cho những người trong ngành giáo dục hoang mang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận