Ông Phan Thanh Bình khẳng định chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa là quan điểm của Đảng và Quốc hội - Ảnh: L.K
Quốc hội dành cả buổi sáng để đại biểu thảo luận nội dung dự thảo luật.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa
"Có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, ông Bình cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định dự thảo Luật đã được soạn thảo theo định hướng của các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GD-ĐT ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo Luật và dành 2 điều (điều 31, 32) để quy định về các nội dung này. Theo đó, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình giáo dục phổ thông.
"Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh" - ông Phan Thanh Bình nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng chương trình giáo dục, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Ông đồng ý quan điểm xã hội hoá sách giáo khoa, một chương trình nhiều bộ sách, nhưng đề nghị quy định rõ sách giáo khoa phải sử dụng ổn định lâu dài, chứ không thể dùng một năm rồi bỏ.
"Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên giao cho Thủ tướng thành lập, không nên giao cho Bộ trưởng, bởi Thủ tướng thành lập thì hội đồng này sẽ có thành phần đa dạng, uy tín" - đại biểu Hoà bày tỏ.
Về quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Hòa đồng tình với quy định của dự luật là vẫn tổ chức thi THPT, nhưng đề nghị bổ sung quy định giao cho Chính phủ nghiên cứu tiến tới xét công nhận tốt nghiệp THPT để đỡ gây tốn kém ngân sách, lãng phí thời gian của xã hội bởi hiện nay tổ chức thi thì hơn 99% đỗ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp - Ảnh: VIỆT DŨNG
Liên thông nhưng không dễ dãi
Đối với quy định về liên thông các cấp học, đại biểu Phạm Văn Hòa nhất trí liên thông trong giáo dục là rất cần thiết, đáp ứng chủ trương học tập suốt đời, nhưng thực tế đang cho thấy thời gian qua việc học liên thông chất lượng thấp do dễ dãi. Đề nghị quy định chặt chẽ trong dự luật để thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng giáo dục trong việc học liên thông.
Giải thích vấn đề này, ông Phan Thanh Bình nói: Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo Dục nghề nghiệp, người học trình độ trung cấp có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
"Để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam" - ông Bình trình bày.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Ảnh: Quochoi.vn
"Sẽ bất công nếu đổ hết lỗi cho nhà trường"
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện trong thời gian qua đã đặt giáo dục trong tâm điểm của dư luận. Ông cho rằng vai trò của gia đình phải được đặt trong gốc rễ vấn đề này.
"Ví dụ trên cho thấy việc "tạo điều kiện" cho con em mình lại được tiến hành theo một cách thức phi giáo dục. Trong khi hiện nay nhiều gia đình vẫn "khoán trắng" việc giáo dục cho nhà trường, do đó sẽ rất bất công nếu đổ hết lỗi về các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của các em cho nhà trường" - ông Nhân nói.
Đại biểu Trọng Nhân đặt câu hỏi: "Vì sao sự nảy nở ngày càng nhiều gia đình văn hoá nhưng các hành vi lệch chuẩn lại ngày càng bén rễ trong cuộc sống?". Và ông tự lý giải: "Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa đủ để các em hình thành nhân cách thì không thể trông đợi hết vào nhà trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận