27/11/2021 08:48 GMT+7

Nhiều bộ không ủng hộ nhập khẩu 37 toa xe cũ của Nhật Bản, vì sao?

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Nhiều bộ không ủng hộ đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về nhập khẩu 37 toa xe tự hành sản xuất năm 1979-1982. Sau khi các bộ có ý kiến góp ý, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Nhiều bộ không ủng hộ nhập khẩu 37 toa xe cũ của Nhật Bản, vì sao? - Ảnh 1.

Từ năm 2016 tới nay, hàng chục toa tàu khách đều được các kỹ sư ngành đường sắt đóng mới để đưa vào khai thác - Ảnh: T.P.

Phương tiện cấm nhập khẩu

Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Theo báo cáo của VNR, đây là loại toa xe tự hành diesel DMU, loại Kiha 40 và Kiha 48. Toa xe bố trí ghế mềm loại 68-82 chỗ ngồi và 28-34 chỗ đứng, chạy trên tuyến đường sắt khổ 1.067mm (khổ đường sắt của Việt  Nam là 1.000mm). Các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn xe với các quy mô khác nhau.

Qua xem xét đề xuất, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy toa xe mà VNR xin được nhập khẩu là các phương tiện đường sắt đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu theo quy định. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng xin ý kiến các bộ gồm Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Công thương, Tư pháp, Khoa học và công nghệ.

Căn cứ nghị định 65 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt, 37 toa xe nêu trên vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.

Ngoài ra, đề xuất của VNR chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì. Chưa nêu giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

"Như vậy, đề xuất cho phép nhập 37 toa xe mặc dù trong báo cáo có nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ ràng. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải không ủng hộ việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe đã qua sử dụng (từ 39 đến 42 năm) tại Việt Nam", Bộ Giao thông vận tải có ý kiên.

Lo ảnh hưởng môi trường

Bộ Tài nguyên và môi trường cũng có ý kiến không ủng hộ đề xuất nhập 37 toa xe cũ của Nhật Bản vì không đáp ứng đúng quy định nghị định 65. Thông tin từ phía Nhật Bản cho thấy họ loại bỏ các toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng vì lý do bảo vệ môi trường do thời gian sử dụng, vận hành các toa xe này từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Vì vậy, cũng sẽ có những ảnh hưởng đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam.

"Các toa xe đã sử dụng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước và phải mất thêm chi phí để cải tạo cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật hiện tại trong nước", Bộ Tài nguyên và môi trường nêu ý kiến. 

Còn theo ý kiến của Bộ Tài chính, do nghị định 65 đã quy định rõ niên hạn đối với phương tiện đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng nên đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo nghị định trên.

Về khía cạnh đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị VNR rà soát lại toàn bộ chi phí vận chuyển, nhập khẩu, sửa chữa và chuyển đổi các toa xe cũ được tặng nêu trên để làm rõ cấp có thẩm quyền trong việc phê duyệt/quyết định tiếp nhận, mua sắm theo quy định. VNR phải chịu trách nhiệm về việc vận hành an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế đối với việc nhập khẩu 37 toa xe này.

Theo báo cáo của VNR, các toa xe này được đối tác là Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản chuyển giao miễn phí nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định của Việt Nam.

Vì sao đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản? Vì sao đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản?

TTO - Ông Vũ Anh Minh, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lý giải 37 toa tàu cũ của Nhật Bản mà doanh nghiệp này xin Thủ tướng nhập về không phải đã hết hạn sử dụng. Và để nhập về, cải tạo khai thác cần 140 tỉ đồng.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên