Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là bệnh viện đầu tiên chính thức lên sàn chứng khoán - Ảnh: TNH
Đầu năm nay Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) chính thức niêm yết trên HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM), trở thành bệnh viện đầu tiên lên sàn.
Theo báo cáo tài chính quý 1-2021, bệnh viện ghi nhận doanh thu thuần hơn 75,5 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 32 tỉ đồng, tăng 39% và 58% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo bệnh viện này cho biết dù chịu ảnh hưởng đại dịch, nhưng nhờ cải thiện chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí nên lãi gộp tăng cao. Với kết quả trên, bệnh viện lãi ròng sau thuế gần 15,3 tỉ đồng sau 3 tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đặt kế hoạch doanh thu 420 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 139 tỉ đồng, lần lượt tăng khoảng 25% và 28% so với năm trước.
Năm 2020 bệnh viện này ghi nhận gần 336 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận gần 156 tỉ đồng (+45% so với năm trước). Vậy 1 đồng doanh thu nhận về gần 2,2 đồng lợi nhuận. Tổng kết năm, bệnh viện lãi ròng sau thuế gần 109 tỉ đồng, tăng gần 23% so với năm trước.
Mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, nhưng Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã thu hút được người bệnh của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang...
Dù chưa chính thức niêm yết, nhưng Bệnh viện Tim Tâm Đức (TTD) vẫn là cái tên đáng chú ý vì từ đầu năm 2017 đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM.
Về tài chính, năm 2020 Tâm Đức ghi nhận doanh thu gần 573,5 tỉ đồng, giảm gần 14% so với năm trước, nhưng tăng 19,5% so với kế hoạch.
Cuối năm bệnh viện này ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 53,3 tỉ đồng, giảm gần 31% so với năm trước, song tăng gần 24% so với kế hoạch.
Phía Tâm Đức cho biết dịch COVID-19 còn rất phức tạp, do đó đơn vị phải tiết kiệm mới đạt được kết quả tài chính khả quan.
Năm 2021, bệnh viện này lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 550 tỉ đồng và 49 tỉ đồng lãi sau thuế.
Một gương mặt khác trong ngành y tế là Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (TrieuAn), đang giao dịch cổ phiếu ở thị trường phi tập trung (OTC).
Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Bệnh viện Triều An đạt 490 tỉ đồng, trong đó bà Dương Thị Đẹt đang là cổ đông lớn nhất, nắm 38,27%.
Riêng ông Trầm Bê - người bị dính vòng lao lý liên quan tới vụ thất thoát 505 tỉ đồng tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) - đang giữ 4,85% tương đương 23,75 tỉ đồng (theo mệnh giá).
Theo báo cáo tài chính, đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Bệnh viện Triều An đạt gần 1.054 tỉ đồng. Cả năm 2020, bệnh viện đạt lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỉ đồng.
Ngoài khám chữa bệnh, bệnh viện này còn đăng ký kinh doanh nhà hàng, bất động sản, đào tạo nghề, tổ chức biểu diễn nghệ thuật và dịch vụ tang lễ. Cuối năm 2020, bệnh viện có khoản kinh doanh dang dở dài hạn 27,1 tỉ đồng từ xây dựng nghĩa trang Thạnh Đức (Tây Ninh).
Cũng vận hành bệnh viện, nhưng không phải nơi nào cũng kiếm được lời. Điển hình là Bệnh viện Giao thông vận tải (Benhviengiaothong, OTC) gắn liền với chủ tịch hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) trong những năm gần đây liên tục làm ăn trầy trật.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý 1-2021 cho thấy bệnh viện ghi nhận doanh thu thuần hơn 30 tỉ đồng, tuy nhiên do giá vốn đội lên cao, dẫn đến lỗ ròng sau thuế hơn 12,1 tỉ đồng.
Tại ngày cuối năm 2020 bệnh viện lỗ lũy kế gần 152,8 tỉ đồng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bệnh viện.
Bộ Giao thông vận tải đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại bệnh viện này về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Cuối năm 2020 SCIC nắm 71,13% (gần 278,5 tỉ đồng theo mệnh giá), Tập đoàn T&T do bầu Hiển làm chủ tịch giữ 22,07% (86,4 tỉ đồng theo mệnh giá) tỉ lệ sở hữu tại bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận