Qúa tải tại một bệnh viện nhi ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Giá phòng dịch vụ cao nhất tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện là 1,5 triệu đồng/phòng/người, giá giường cao nhất tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng 1 là 400.000 đồng/giường (2-4 người/phòng).
Các bệnh viện kêu khó
Theo dự thảo quy định về liên doanh liên kết, thuê mượn tài sản và hoạt động y tế theo yêu cầu tại đơn vị y tế công lập của Bộ Y tế, các bệnh viện đang còn giường nằm ghép không được dành đất làm khu dịch vụ theo yêu cầu.
Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT, vẫn luôn có trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép (2 người/giường) thì đơn vị không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.
Ngoài ra, các bệnh viện cũng phải đảm bảo mỗi bàn khám không quá 45 bệnh nhân/ngày và từ năm 2020 không quá 35 bệnh nhân/ngày mới được thành lập khu dịch vụ.
Trước dự thảo này của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện quá tải tại TP.HCM lo lắng vì nếu căn cứ theo những quy định này thì các bệnh viện này khó được thành lập khu dịch vụ.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng nếu dự thảo này được thông qua sẽ gây khó cho nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Hiện số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày dao động từ 5.000-6.000 bệnh nhi, cơ sở vật chất, bác sĩ của bệnh viện chỉ có nhiêu đó, nếu khám theo đúng quy định của Bộ Y tế đề ra không quá 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày thì sẽ có nhiều bệnh nhân không được khám. Nhưng bệnh nhi đã đến bệnh viện khám bệnh thì bệnh viện không thể từ chối.
Nếu bệnh viện không đủ các điều kiện như dự thảo đã đề cập, phải đóng hết các khu dịch vụ, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công nhân viên trong bệnh viện và đến khi đó rất khó giữ được bác sĩ, nhân viên giỏi của bệnh viện.
Tách khu dịch vụ trong bệnh viện công?
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 1.800 bệnh nhi điều trị nội trú, số giường thực kê của bệnh viện là 1.900 bệnh nhi, số giường chỉ tiêu là 1.400 bệnh nhi.
Dù hiện nay số bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ít hơn số giường thực kê nhưng không phải đã hết tình trạng nằm ghép. Tại một số khoa có số bệnh nhi nằm đông như khoa hô hấp thì không tránh khỏi tình trạng nằm ghép 2 bệnh nhi/giường bệnh.
Bác sĩ Tùng cũng cho biết hiện có khoảng 6.200 bệnh nhi đến khám tại bệnh viện mỗi ngày, nhưng hơn 90% số này là khám dịch vụ, vì nếu khám thường thì bệnh nhi phải có giấy chuyển tuyến từ tuyến dưới lên. Nếu theo dự thảo này (không quá 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày) thì bệnh viện rất khó thực hiện.
Bệnh viện có hơn 300 bác sĩ, nếu thực hiện như thế thì hơn nửa số bác sĩ ra phòng khám ngồi, trong khi còn mảng điều trị nội trú rất quan trọng nữa, chưa kể các bác sĩ làm công tác quản lý.
Hiện nay, số giường bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chiếm khoảng 25% tổng số giường chỉ tiêu của bệnh viện và số giường dịch vụ của bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, số giường dịch vụ trong các bệnh viện công không vượt quá 30% tổng số giường của bệnh viện nên số giường dịch vụ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng chỉ ở mức này.
Bác sĩ Tùng ủng hộ xu hướng nên tách một khu dịch vụ trong bệnh viện công. Có thể điều động một phó giám đốc sang điều hành ở khu này, dưới sự giám sát của bệnh viện. Và theo quy định của Nhà nước, bệnh viện sẽ lấy kinh phí của khu hoạt động dịch vụ này sang cho hoạt động công.
Bảo vệ quyền lợi bệnh nhân bằng cách nào?
Cách đây một tuần, anh T.A.V., 34 tuổi ở Hà Nội, bị tràn dịch màng phổi phải nhập viện điều trị. Phòng bệnh 6 giường nhưng có tới 10 bệnh nhân, các phòng bệnh xung quanh cũng trong tình trạng tương tự.
Từ lúc anh V. nhập viện, tất cả các giường đều phải ghép nên gia đình anh V. phải tìm một phòng dịch vụ ở cùng khoa có 2 giường mức 1 triệu đồng/giường. "Phòng dịch vụ hơn phòng bình thường là có thêm tivi, một tủ lạnh và phòng vệ sinh riêng tương tự như ở các nhà nghỉ, nhưng giá khá cao" - anh V. cho hay. Nếu chiếu theo dự thảo đang được Bộ Y tế lấy ý kiến kể trên thì những bệnh viện như anh V. đang nằm không được phép thành lập khu dịch vụ.
BS Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ dù Bạch Mai vẫn còn những khu vực nằm ghép do yếu tố chuyên môn hoặc do chính sách, nhưng ông vẫn ủng hộ quan điểm của Bộ Y tế là đã đến lúc phải kiên quyết để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân. "Thay vì quy định bệnh viện thì nên yêu cầu nếu khoa nào còn nằm ghép thì không được lập khu dịch vụ, như vậy sẽ hợp lý hơn" - BS Hùng nói.
Ảnh hưởng thu nhập của bác sĩ
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, cho rằng trong điều kiện hiện nay nếu dự thảo này được thông qua thì người bệnh sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, sau đó mới đến bệnh viện.
Bệnh nhân mắc bệnh từ các tỉnh xa như Cà Mau đến khám nhưng với quy định một bàn khám không quá 45 bệnh nhân/ngày thì có nhiều bệnh nhân sẽ không được khám.
Và với những điều kiện như dự thảo trên thì Bệnh viện Ung bướu cũng khó được lập khu dịch vụ. Khi đó, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bác sĩ và việc ra đi của các bác sĩ giỏi cũng là điều khó tránh được.
Bệnh viện không còn khoa dịch vụ?
Hiện tại Hà Nội hầu hết các bệnh viện T.Ư vẫn đang ở trong tình trạng quá tải và bệnh viện nào cũng có khu dịch vụ riêng, mức giá phòng bệnh dịch vụ cao nhất hiện nay ở Hà Nội lên tới 6 triệu đồng/phòng/ngày đêm, chưa tính chi phí dịch vụ y tế.
Nếu Bộ Y tế ra quy chế mới với nhiều yêu cầu nhằm quản lý các hoạt động liên doanh liên kết, dịch vụ theo yêu cầu, những bệnh viện này sẽ gặp khó khăn.
"Nhưng cũng phải đặt quyền lợi bệnh nhân lên trên vì các buồng bệnh theo yêu cầu hiện nay thực chất là dồn bệnh nhân vào, để có trống một số giường làm giường dịch vụ thu phí cao hơn, tôi không ủng hộ cách làm này" - một bác sĩ chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận