Bệnh nhân đái tháo đường đến thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: BVCC
Dễ suy giảm miễn dịch
Bệnh nhân là ông N.H.V. (61 tuổi, TP.HCM) có tiền căn đái tháo đường type 2 đã 6 năm kèm tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não cũ. Khoảng 1 tháng nay sau khi hết thuốc uống, ông V. không đi khám bệnh mà tự ý ngưng thuốc và mua thảo dược giảm đường huyết hỗ trợ uống theo lời đồn.
Hai tuần trở lại đây, ông V. bắt đầu tiểu nhiều, khát nước nhiều, một tuần trước khi nhập viện bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, tiếp xúc chậm.
Khi đến bệnh viện, ông V. lơ mơ, hôn mê. Do nhập viện muộn nên tình trạng đường huyết tăng cao gây biến chứng hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu máu, viêm phổi gây khó khăn, tốn kém trong điều trị và nguy cơ tử vong cao.
Tương tự, bệnh nhân T.V.Đ. (58 tuổi, TP.HCM) có tiền căn đái tháo đường type 2 đang điều trị thuốc uống. Cách nhập viện 10 ngày, ông Đ. xuất hiện nhọt da vùng lưng.
Do ngại vào bệnh viện khám vì dịch bệnh nên ông tự mua thuốc uống, sau 1 tuần không giảm, nhọt da ngày càng sưng đỏ lan rộng nhanh, đau nhức nhiều kèm sốt ớn lạnh nên bắt buộc phải nhập viện.
Tại bệnh viện, ông Đ. có tình trạng áp xe da mô mềm lan rộng và nhiễm trùng huyết, kết quả cấy mủ áp xe là vi khuẩn kháng thuốc nên không đáp ứng với kháng sinh thông thường, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Dung, khoa nội tiết Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết người mắc COVID-19 kèm bệnh nền đái tháo đường có tiên lượng nặng hơn và tỉ lệ tử vong cao gấp ba lần so với người không bị đái tháo đường.
Những bệnh nhân này dễ suy giảm miễn dịch, sức đề kháng chống lại virus yếu hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn.
Phòng tránh ra sao?
Theo bác sĩ Dung, để phòng tránh và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19.
Không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc, dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc điều trị bệnh mạn tính trong thời gian dài, ít nhất là 1 tháng.
Khuyến khích người bệnh sử dụng máy đo đường huyết mao mạch thường xuyên, để tự theo dõi đường huyết tại nhà.
Nếu không kiểm tra được đường huyết tại nhà, chú ý đến các dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn (đặc biệt là vào ban đêm), khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ hoặc bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác đói. Nếu có các triệu chứng này, phải liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.
Bệnh nhân nên chuẩn bị những thứ cần thiết để có thể xử trí trong các trường hợp hạ đường huyết đột ngột như đường gói, bánh ngọt, sữa; cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh.
Bác sĩ Hồ Đắc Phương, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết đái tháo đường là bệnh mạn tính không lây, người bệnh có sức đề kháng giảm.
Bệnh thường xảy ra ở tuổi trung niên, do đó sức tạo ra kháng thể cũng kém... Vì vậy, đối với người đái tháo thường, chúng ta nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận