Bên cạnh những ưu điểm đã có thì 4 phố đi bộ hiện có ở TP.HCM là đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đường sách và khu Phú Mỹ Hưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Tuyến phố Bùi Viện chẳng khác nào một con đường quán xá, nhậu nhẹt với không ít lần xảy ra xô xát của những thực khách say xỉn.
Tuyến đi bộ tại Phú Mỹ Hưng cũng không tránh khỏi tình trạng buôn bán hàng rong. Đường sách và đường Nguyễn Huệ hiệu quả vẫn chưa tương xứng chi phí đầu tư.
Có thể thấy các tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách và khu Phú Mỹ Hưng tập trung nhiều công sở, cửa hiệu nhưng ít dân cư. Nay nếu triển khai "siêu" phố đi bộ mở rộng hơn ở nhiều con đường tại trung tâm quận 1 sẽ gây xáo trộn và bất tiện không nhỏ.
Bên trong và bên cạnh khu vực dự kiến là "siêu" phố đi bộ có nhiều công sở, cao ốc văn phòng, có cả trường học và bệnh viện lớn. Nghĩa là rất đông người đi học, đi làm qua khu vực này, giải pháp nào để họ "đi bộ" hằng ngày đến đây?
Thực tế cho thấy vào mỗi dịp tổ chức các lễ hội, sự kiện, chỉ cần cấm xe ở vài con đường khu trung tâm, giao thông ở các khu vực gần đó sẽ ùn tắc, lộn xộn.
Khi chưa có bãi giữ xe ngầm, hệ thống giao thông công cộng chưa thể kết nối thông suốt với khu vực trung tâm sẽ rất khó có giải pháp khả thi cho việc mở rộng phố đi bộ.
TP.HCM từng quy hoạch nhiều bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm nhưng gần hai thập niên qua vẫn chưa có dự án nào được xây dựng.
Thành phố đã triển khai tổ chức thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường trên 23 tuyến đường thuộc địa bàn các quận 1, 5, 10, trong đó có 13 tuyến đường khu vực trung tâm.
Tuy nhiên đến nay việc thu phí phát sinh nhiều bất cập, tiêu cực liên quan phương án, số tiền thu phí. Vấn đề bãi đậu xe ở TP.HCM tiếp tục đi vào bế tắc. Giữ được trật tự bên trong khu vực đi bộ có lẽ dễ hơn khu vực xung quanh khi người đi xe cá nhân phải tìm chỗ gửi, chỗ đậu xe.
Dù là tuyến phố đi bộ toàn thời gian, bán thời gian hay tuyến phố ưu tiên đi bộ thì đều hạn chế phương tiện qua các trục giao thông. Điều này sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến người dân đi học, đi làm, đi khám chữa bệnh ở khu vực này. Do vậy cần bàn bạc, tính toán kỹ hơn.
Theo tôi, nên quy hoạch thành những cụm phố đi bộ nhỏ hơn là những tuyến phố đi bộ thật dài, thật hoành tráng.
Thành phố không nên tiếp tục tập trung quá nhiều hoạt động vui chơi giải trí đông người ở khu trung tâm. Thay vào đó, nên tạo ra những khu vực mới, rộng hơn, hiện đại, hấp dẫn hơn để thu hút mọi người đến đó.
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM thông tin về "siêu" phố đi bộ tại khu vực trung tâm. Những đề án tương tự trước đây đều gặp vướng mắc, lo ngại không khả thi về tổ chức giao thông.
Tăng không gian đi bộ trong khu trung tâm là một trong những giải pháp nhằm hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông vào trung tâm.
Tuy nhiên, nếu "khóa" toàn bộ khu trung tâm, chỉ để người dân đi bộ thì phải giải quyết cho được bài toán giao thông bên ngoài.
TP.HCM hiện nay chưa tổ chức được mạng lưới giao thông ngầm, việc thiết kế không gian đi bộ vì thế gặp nhiều rào cản, khó có thể có giải pháp khả thi kịp thời trong 1-2 năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận