Lễ hội năm nay có sự tham dự của những người khuyết tật
Lễ khai mạc sự kiện năm nay lần đầu tiên có sự tham dự của những người có hoàn cảnh đặc biệt, chuyển tải thông điệp nhân văn: tình yêu đối với áo dài không phân biệt giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh cá nhân. Áo dài có thể tôn vinh vẻ đẹp của bất kỳ ai yêu quý và trân trọng nó.
Đây cũng là lễ hội lần đầu tiên có nhiều đại sứ hình ảnh nhất, với 22 đại sứ, từ văn nghệ sĩ, doanh nhân, travel blogger, nhà thiết kế áo dài, nhà ngoại giao, giáo viên… và cả đại sứ người nước ngoài.
Lễ hội cũng quy tụ nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia, như nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhà thiết kế Liên Hương, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Việt Hùng, Anna Hạnh Lê, nhà thiết kế - nghệ nhân vẽ áo dài Trung Đinh, Trisha Võ, Brian Võ, Dạ Thảo, Linh Bùi, Nguyễn Đức Huy...
Đặc biệt là sự hưởng ứng mặc áo dài của các nữ tổng lãnh sự và phu nhân tổng lãnh sự các nước, tạo thông điệp về một TP.HCM hội tụ tình yêu áo dài và tràn đầy tình hữu nghị, đoàn kết với bạn bè quốc tế.
Lễ diễu hành áo dài với số lượng người tham gia kỷ lục 3.000 người
Một chương trình gây chú ý đặc biệt nữa tại Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 này là chương trình diễu hành với chủ đề ‘Tôi yêu Áo dài Việt Nam’ với 3.000 người tham dự, bao gồm lãnh đạo thành phố, các sở ngành, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, các đại sứ của Lễ hội Áo dài, văn nghệ sĩ, diễn viên, học sinh và người dân.
Lễ hội Áo dài dành nhiều hoạt động tương tác dành cho du khách nhất, như giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ, biểu diễn của các ban nhạc dân tộc, triển lãm ảnh áo dài nhiều chủ đề tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, tọa đàm ‘Nét đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và Phát triển’...
Hoa hậu H’Hen Niê - đại sứ lễ hội trong nhiều năm liền
Ngoài ra, tại lễ hội năm nay, ứng dụng trực tuyến POLISVERSE - ‘Tìm kiếm biểu tượng Mèo Xinh’ được ra mắt, khởi đầu cho chuỗi hoạt động phát triển vũ trụ Du lịch ảo của TP.HCM, với mong muốn thu hút thêm sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với du lịch.
Lễ hội cũng lần đầu tiên được quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng (hơn 415 tin, bài) tại các thị trường khách quốc tế trọng điểm của TP.HCM như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia…. với mục tiêu thu hút khách du lịch đến với thành phố và mang lễ hội ra khu vực.
Lễ hội Áo dài TP.HCM trên các kênh truyền thông quốc tế
Cùng với đó là một loạt cuộc thi thu hút đông thí sinh hưởng ứng, như Cuộc thi ‘Duyên dáng Áo dài TP.HCM’ với sự tham dự của 400 thí sinh cá nhân và gần 30 tập thể, tạo sự lan tỏa trong việc hưởng ứng Lễ hội Áo dài, góp phần tôn vinh Áo dài Việt Nam.
Cuộc thi Áo dài online với 6 bảng thi tiếp nhận 3.412 ảnh dự thi. Ban tổ chức đã trao 33 giải ảnh xuất sắc cho cá nhân và 12 ảnh xuất sắc tập thể.
Cuộc thi vẽ trên Áo dài dành cho thiếu nhi thu hút hơn 200 em đến từ các quận huyện, TP tham gia thi vẽ, trang trí áo dài với nhiều tác phẩm có hình ảnh mới lạ, chi tiết ấn tượng về TP.HCM.
Hưởng ứng lễ hội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đồng hành giảm giá, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Như Bảo tàng Áo dài giảm giá vé vào cổng từ 5 - 30%; phối hợp với Đại học HUTECH triển lãm áo dài và học làm hoa vải Nhật, tổ chức Chợ Quê…
Đặc biệt, có đến 207 nhà may và 126 các đơn vị bán vải áo dài, phụ kiện kèm theo áo dài trên địa bàn thành phố đã thực hiện giảm giá may áo dài, may áo dài lấy nhanh, giảm giá mua vải áo dài và phụ kiện... cho du khách, người dân thành phố.
Qua 9 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã thật sự trở thành điểm hẹn của những người yêu áo dài trong và ngoài nước, là sự kiện du lịch mang đặc trưng của thành phố và sẵn sàng vươn ra quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận