TTCT - Không chỉ mỗi Hoa Kỳ, dữ liệu từ các quốc gia khác như Canada, Vương quốc Anh, Úc đều cho thấy nhu cầu trở thành y bác sĩ tăng vọt ở mức xấp xỉ 20% so với năm ngoái. Điều này sẽ phần nào khiến mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh căng thẳng hơn vì số chỉ tiêu tuyển sinh cho y tá hay bác sĩ đều có giới hạn. Một sinh viên y khoa tham gia chống dịch tuyến đầu ở Pháp. Ảnh: France 24Tại Pháp, mặc dù không có báo cáo chính thức về số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành y trong năm nay, nhưng theo lời của một giáo sư, bác sĩ tại Đại học Y Paris, số lượng sinh viên phổ thông nộp đơn vào trường y tăng; các sinh viên sau khi thi nội trú có xu hướng đăng ký vào khoa hồi sức cấp cứu.Tháng 3-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran thông báo tăng 2.000 suất đào tạo y khoa cho năm học 2021, nâng chỉ tiêu lên xấp xỉ 15.000 sinh viên được vào năm thứ 2 (bao gồm cả đào tạo bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và hộ sinh). Chỉ tiêu nâng lên đồng nghĩa với việc cánh cửa trở thành bác sĩ được mở rộng hơn, vì học sinh phổ thông hoặc sinh viên các ngành khác được nhận vào năm nhất y khoa ở Pháp khá dễ dàng. Quan trọng hơn cả là họ có vượt qua được kỳ thi căng thẳng đến phát khóc khi hết năm thứ nhất để tiếp tục theo đuổi con đường y khoa hay không.Tôi tự hỏi, liệu những nhiệt huyết ban đầu này của các tân sinh viên y khoa có bị hao hụt đi phần nào khi các em đối mặt với những khó khăn và căng thẳng trong nghề nghiệp? Trong 3 tháng đầu năm 2021, nước Pháp đang đối mặt làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 2, đã có tới 5 bác sĩ nội trú tự tử. Chưa rõ nguyên nhân có liên quan tới những căng thẳng do quá tải vì công việc trong đại dịch hay không, song những lý do đã biết cũng khiến chúng ta sửng sốt.Một bác sĩ nội trú làm việc trung bình 58 giờ/tuần (so với 48 giờ theo quy định), hơn 70 giờ đối với bác sĩ phẫu thuật và 2 - 3 ca trực 24 giờ mỗi tuần. Marie Saleten cho phóng viên báo Le Fiagro biết rằng trên thực tế, trong thời gian căng thẳng vì COVID-19, các bác sĩ thực tập như cô có thể làm tới 80 giờ/tuần và 8 - 10 ca trực mỗi tháng. Chưa kể những trường hợp bác sĩ nội trú bị quấy rối về đạo đức hoặc tình dục. “Trong thời kỳ COVID-19, chúng tôi chẳng dám nhắm mắt, chợp mắt một chút cũng không” - Gaétan Casanova, chủ tịch Liên hiệp bác sĩ nội trú cấp quốc gia (INSI), cho hay.Theo một khảo sát trên tập san The European Journal of Psychiatry vào tháng 4-2021, 55% trong hơn 1.000 bác sĩ nội trú ở độ tuổi trung bình là 27 cho biết họ cảm thấy kiệt sức trong thời kỳ đại dịch. 41% bác sĩ nội trú thú nhận rằng họ đã phải đối mặt với những quyết định mâu thuẫn với đạo đức của họ. Thông tin từ Hiệp hội Y tá quốc gia Pháp cũng cho thấy 43% nhân viên y tế cảm thấy quá tải và thậm chí còn bộc lộ ý định chuyển việc.Kể từ khi đại dịch bùng phát, đội ngũ y bác sĩ tại Pháp đã không ít lần xuống đường biểu tình để kêu gọi chính phủ quan tâm hơn tới những người mà chính phủ ca ngợi là “những người hùng thầm lặng ở tuyến đầu”. Các nhân viên y tế khẩn thiết yêu cầu được tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, cũng như tăng cường nhân viên y tế. Không chỉ ở Pháp, ngay cả Hoa Kỳ cũng nhìn thấy tới 60% y tá và 20% bác sĩ bộc lộ mong muốn nghỉ việc hay nghỉ hưu sớm do không chịu nổi áp lực từ đại dịch. Đây có lẽ là một trong những hậu quả mà COVID-19 gây ra cho hệ thống y tế khắp toàn cầu.Đại dịch trong suốt 2 năm qua đã khiến nhiều vấn đề trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết. Xã hội nào, bất kể giàu nghèo, đều cần tới những bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế tốt và đảm bảo không chỉ về chất lượng mà còn cả số lượng. Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng, COVID-19 sẽ mãi mãi không bao giờ biến mất, và để chuẩn bị tốt cho một tương lai sống chung với dịch bệnh, chúng ta sẽ cần tới nhiều bác sĩ hơn bao giờ hết. Và đội ngũ y tế, chắc hẳn họ cũng cần được quan tâm tới thể chất lẫn tinh thần hơn là những ca ngợi, để họ có thể giữ được bầu nhiệt huyết thuở ban đầu, khi cầm trên tay tờ quyết định nhập học trường y. Tags: PhápNgành yĐại dịchHọc y
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.