Nghiên cứu mới được các nhà khoa học ở Anh thực hiện cho thấy nhiệt độ cực cao có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng của con người và gần như tất cả các loài động vật có vú khác trong khoảng 250 triệu năm, sớm hơn so với dự đoán trước đây của các mô hình khác.
Một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol (Anh) đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Nature Geoscience.
Họ sử dụng các mô hình khí hậu trên siêu máy tính tiên tiến để minh họa sự leo thang của các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ xảy ra và khi các lục địa trên Trái đất cuối cùng hợp nhất thành một vùng đất khô cằn, thiêu đốt, được gọi là siêu lục địa “Pangea Ultima”.
Siêu lục địa này chủ yếu gồm các vùng nhiệt đới nóng ẩm, khiến một phần đáng kể của Trái đất phải chịu nhiệt độ từ 40 - 70°C.
Quá trình chuyển động của các mảng địa chất để hình thành siêu lục địa cũng sẽ làm tăng tần suất phun trào núi lửa. Những vụ phun trào này sẽ thải ra một lượng đáng kể carbon dioxide vào khí quyển, làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên của Trái đất.
Khi Mặt trời sáng hơn, phát ra nhiều năng lượng hơn càng làm tăng nhiệt độ địa cầu.
"Cứ sau 100 triệu năm, Mặt trời lại sáng hơn khoảng 1% và phát ra năng lượng nhiều hơn khoảng 1% so với hiện tại”, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Alexander Farnsworth, giải thích.
Như vậy trong khoảng 250 triệu năm nữa Mặt trời sẽ sáng hơn khoảng 2,5% và phát ra lượng bức xạ nhiều hơn 2,5% so với hiện nay.
Tiến sĩ Farnsworth cho biết thêm: “Siêu lục địa mới xuất hiện sẽ tạo ra ba tác động, bao gồm hiệu ứng chuyển động của lục địa, Mặt trời nóng hơn và nhiều CO2 hơn trong khí quyển.
Kết quả đó là một môi trường "thù địch", thiếu nguồn thức ăn và nước uống cho động vật có vú.
Ông tiếp tục: “Nhiệt độ lan rộng từ 40 - 50⁰C và thậm chí nhiệt độ cực cao hàng ngày, cộng với độ ẩm cao, cuối cùng sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Con người - cùng với nhiều loài khác - sẽ chết do không thể tỏa nhiệt qua mồ hôi, làm mát cơ thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận