TTCT- Nhiệt điện than không thể là con đường tất yếu phải đi của Việt Nam vì chúng ta phải trả giá đắt cho vấn đề môi trường. Phát triển điện năng lượng mặt trời vẫn chưa là ưu tiên ở Việt Nam.-Ảnh: Trần Mai Tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” ngày 29-8-2017, ông Trương Duy Nghĩa, chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, đã cho rằng phát triển nhiệt điện than là con đường tất yếu của Việt Nam để đáp ứng “nhu cầu điện năng rất cao” cho “thời kỳ phát triển mạnh kinh tế”. Ông cho rằng: “Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”. Bài viết này xin cung cấp thông tin và phản biện lại một số thông tin được cung cấp ở hội thảo, giúp độc giả hiểu thêm về nhiệt điện than giá rẻ. Chúng ta cần có cái nhìn chính xác hơn về những nguy hại do phát triển nhiệt điện than, từ đó thấy rằng năng lượng sạch mới chính là con đường đảm bảo cho an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam. Than đâu phải màu hồng “Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 200 năm nữa”. Đó là trữ lượng than có thể khai thác của thế giới, trong đó chỉ riêng năm nước đã chiếm 75% trữ lượng thế giới, gồm Trung Quốc (23%), Mỹ (21%), Nga (14%), Úc (9%), Ấn Độ (8%). Than Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trữ lượng của thế giới, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Từng là một nước xuất khẩu than hàng đầu, Việt Nam phải bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu các nhà máy nhiệt điện, đến năm 2020 thì phải nhập khẩu 24 triệu tấn than (38% nhu cầu) và đến năm 2030 phải nhập khẩu 84 triệu tấn than (65,4% nhu cầu). Xác định nhiệt điện than đóng vai trò chi phối nhưng ngay thời điểm này đã phải nhập khẩu than, điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? An ninh năng lượng quốc gia sẽ được kiểm soát sao đây? “Chỉ những nước giàu tài nguyên khí đốt như Nga, không xuất khẩu hoặc không có điều kiện xuất khẩu khí đốt và những nước đang thiếu điện trầm trọng như Philippines, Việt Nam thời gian khoảng năm 2000-2005 mới đầu tư mạnh nhiệt điện khí và mới chạy nhiệt điện khí ở phụ tải nền”. Đây là điều hoàn toàn không có cơ sở. Hãy nhìn sang Singapore, họ có tài nguyên khí đốt nào đâu nhưng sản lượng điện năng từ khí của họ chiếm đến 95,2%, trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm 1,2%, tính đến cuối năm 2016. (Nguồn: Energy Market Authority, 2017). Tương tự với Thái Lan, sản lượng điện năng từ khí là 66% và từ nhiệt điện than chỉ chiếm 21%, tính đến cuối năm 2014 (Nguồn: Energy Policy and Planning Office, 2015). Singapore và Thái Lan có cơ hội lựa chọn giữa nhập khẩu than và khí để phát điện, và họ đã chọn khí thiên nhiên. Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than? “Hiệu suất nhiệt điện than là 42-43% so với nhiệt điện khí là 56-58%”? Thực tế hiệu suất trung bình của tất cả các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành chỉ đạt 35%, hiệu suất trung bình trên thế giới là 33-37%. Để đạt hiệu suất 42-43%, cần phải áp dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn (supercritical) với suất đầu tư cao hơn 20% so với công nghệ cận tới hạn. Tổng hợp của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tại Malaysia, Indonesia và Việt Nam năm 2015 cho thấy có đến 92% các nhà máy nhiệt điện than đang áp dụng công nghệ cận tới hạn, trong khi chỉ có 6% các nhà máy áp dụng công nghệ siêu tới hạn. Các chủ đầu tư lựa chọn công nghệ có hiệu suất thấp vì tham rẻ, đồng nghĩa với lựa chọn này là định mức tiêu thụ năng lượng cao và phát thải ô nhiễm lớn. Nếu ai đó nói rằng các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, phát thải thấp thì quá xa rời thực tế. “Nhiệt điện khí có chi phí vận hành và bảo dưỡng gấp 2 lần, giá thành sản xuất điện cũng gấp 2 lần nhiệt điện than (14 cent Mỹ/kWh); chi phí phụ kiện rất đắt, phụ kiện mau hỏng; đời sống dự án chỉ bằng 2/3 nhiệt điện than”. Thật vậy không? Số liệu của Trung tâm than sạch IEA tổng hợp 11 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch cho thấy suất đầu tư nhiệt điện than là 1.274 USD/kW, của nhiệt điện khí là 933 USD/kW, tức là suất đầu tư nhiệt điện than đắt gấp 1,36 lần nhiệt điện khí, thời gian xây dựng nhiệt điện khí là 3 năm trong khi nhiệt điện than có thể đến 4,5 năm, tuổi thọ nhiệt điện khí là 35 năm và nhiệt điện than là 40 năm, giá thành sản xuất điện khí chỉ 5,8 cent Mỹ/kWh so với điện than là 6,8 cent Mỹ/kWh. Rõ ràng nhiệt điện khí hiệu quả hơn nhiệt điện than! “Nhiệt điện khí có ưu điểm là không có tro xỉ, không phát thải SO2 nhưng vẫn phát thải CO2, NOx không thua kém gì nhiệt điện than”. Đúng! Nhưng cần hiểu ưu điểm không có tro xỉ và không phát thải SO2 có ý nghĩa to lớn đến mức nào. Không phải ngẫu nhiên mà Singapore hay Thái Lan lựa chọn nhiệt điện khí là nguồn chủ đạo trong cấu trúc phát điện của họ. Không có tro xỉ nghĩa là hoàn toàn loại trừ ô nhiễm bụi và xỉ than. Trong đó, bụi siêu mịn (PM2.5) có kích thước chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc, được xem là kẻ giết người thầm lặng vì nó có thể đi sâu vào phế nang, gây ô nhiễm đường hô hấp, thậm chí còn làm ảnh hưởng cấu trúc ADN, gây ung thư phổi và làm tăng nguy cơ tử vong. Với một nhà máy điện 1.200 MW thải ra 1,2 triệu tấn tro xỉ cần 15ha/năm để chứa tro xỉ. Tổng cộng 55.300 MW nhiệt điện than đến năm 2030, cần 691ha/năm và trong vòng đời 40 năm của nhà máy nhiệt điện thì nhu cầu bãi xỉ cả nước là 276km2, tương đương gần 40% diện tích đảo quốc Singapore. Không phát thải SO2 có ý nghĩa là tránh được nguy cơ đến sức khỏe cộng đồng (cụ thể là tránh được nguồn gây rối loạn chuyển hóa đường và protein, gây tắc nghẽn mạch máu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở), tránh được nguy cơ gây ra mưa axit làm phá hủy cây trồng, rừng và đất, axit hóa các nguồn nước mặt... Vậy ưu điểm này của nhiệt điện khí đã đủ thuyết phục hơn so với nhiệt điện than hay chưa? “Dầu diesel để chạy các động cơ diesel có lưu huỳnh 0,5% cũng tương đương như hàm lượng lưu huỳnh trong than nội địa, than nhập khẩu, nghĩa là cũng thải ra một lượng SO2 tương đương như khi đốt than, lại ngay trên mặt đất, lại không hề có thiết bị khử SO2 như ở nhà máy điện”. Trong thực tế, Việt Nam đã chính thức cấm lưu hành dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh 0,25% từ ngày 1-1-2016 và hiện chỉ có dầu diesel 0,05% lưu huỳnh, không phải dầu diesel có tới 0,5% lưu huỳnh như thông tin nói trên. Hàm lượng lưu huỳnh trong than cao hơn từ 35-257 lần trong dầu diesel. Tương tự, độ tro trong dầu diesel (DO 0.05S) chỉ là 0,01% trong khi trong than cho phép từ 3-45%, nghĩa là hàm lượng tro trong than cao hơn từ 300-4.500 lần trong dầu diesel. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (USEIA), để cùng tạo ra một đơn vị năng lượng như nhau, lượng phát thải từ đốt than cao hơn từ đốt dầu diesel với từng chất ô nhiễm không khí cụ thể như sau: SO2 gấp 2,3 lần; bụi gấp 32,7 lần; CO2 gấp 6,3 lần và thủy ngân gấp 2,3 lần. “Nước Đức giàu có như vậy, rất coi trọng môi trường nhưng cũng vẫn phải chấp nhận cho tồn tại ôtô dùng động cơ diesel”. Nước Đức cho lưu hành xe dùng động cơ diesel nhưng tiêu chuẩn cụ thể của họ về diesel và về khí thải như thế nào? Tiêu chuẩn 2009/30/EC của châu Âu cho phép hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel kể từ năm 2009 trở đi là 10 mg/kg dầu hay 0,001%, tức là Việt Nam đang dùng dầu diesel cao gấp 50 lần của Đức. Việt Nam bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, trong khi hiện nay Đức đã áp dụng Euro 6 với quy định về NOx thấp hơn Euro 4 là 68%, về bụi thấp hơn Euro 4 là 80%. Để đạt được quy định nghiêm ngặt này, xe chạy bằng động cơ diesel phải lắp đặt các thiết bị xúc tác, lọc bụi và hấp thụ khí thải. Con đường cho năng lượng sạch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, 2017) đã đưa ra so sánh về tiêu chuẩn cho phép thải về bụi trong ống khói của nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam và các nước như sau: Theo đó, cùng gọi là nhà máy nhiệt điện than nhưng Việt Nam cho phép thải bụi với nồng độ chỉ thấp hơn so với Campuchia, cao hơn Trung Quốc đến 8 lần, cao hơn Indonesia và Ấn Độ 2 lần, hơn Malaysia và Myanmar 4 lần, cao hơn Đức 20 lần... Do vậy, việc dẫn chứng các nước đang cho phép phát triển nhiệt điện than với tỉ lệ cao để biện minh cho nhiệt điện than của Việt Nam mà không đề cập đến tiêu chuẩn khắt khe về khí thải của họ, điều đó là không hợp lý. Để xử lý bụi mịn (PM2.5), có thể dùng hệ thống lọc túi vải với hiệu suất 99,8% hoặc hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất 80-95%. Một hệ thống lọc túi vải cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW có giá đến 100 triệu USD. Nếu cho rằng các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đang áp dụng lọc bụi bằng tĩnh điện nhưng hiệu suất đạt tới 99,98%, cần xem xét kỹ càng trước khi đưa ra nhận định. Vậy, phải chăng việc dễ dãi trong tiêu chuẩn phát thải của nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đã giúp các chủ dự án giảm chi phí đầu tư vào thiết bị xử lý khí thải hiệu suất cao, đưa đến nhận định của nhiều người rằng đầu tư vào nhiệt điện than là rẻ nhất? Quan trọng hơn, thiệt hại về môi trường và sức khỏe do phát triển nhiệt điện than mà xã hội phải gánh chịu đã không được tính đến trong bài toán của những người ủng hộ nhiệt điện than, đó có phải là biểu hiện của việc “ăn vào môi trường và sức khỏe”? Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến 5% GDP của Việt Nam, con số này tương đương 10 tỉ USD năm 2016. Nếu Việt Nam chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, loại bỏ nhiệt điện than, thì những chi phí thiệt hại về môi trường và sức khỏe sẽ được tránh khỏi, đồng thời lợi ích kinh tế thu được tương đương 9% GDP hay 23 tỉ USD/năm đến năm 2025, theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2016. Con số này vượt xa số tiền dự kiến bỏ ra để bù cho điện mặt trời và gió khoảng 1,5 - 1,7 tỉ USD mà ông Nghĩa đưa ra. Không còn nghi ngờ gì nữa, lựa chọn con đường năng lượng sạch mới đúng là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.■ Tags: Nhiệt điện thanNhiệt điện than giá rẻÔ nhiễm từ nhiệt điện than
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).