Với đội ngũ lãnh đạo đông chưa từng có, Liên đoàn bắn súng Việt Nam có thể giúp VĐV có đạn tập luyện, có tiền đi thi đấu quốc tế? - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 30-6, Đại hội Liên đoàn bắn súng Việt Nam khóa 7 (2022-2027) đã diễn ra tại Hà Nội.
Liên đoàn có cơ cấu lãnh đạo đông nhất nước
Sau gần 2 năm trì hoãn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những mâu thuẫn nội bộ, ngày 30-6, Đại hội khóa 7 (2022-2027) Liên đoàn bắn súng Việt Nam (LĐBSVN) mới được diễn ra.
Không có bất ngờ nào ở phút cuối khi nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung không tham dự đại hội, không tham gia vào bộ máy liên đoàn khóa 7. Không ít thành viên thường vụ, ban chấp hành khóa 6 khác cũng vắng mặt tại đại hội bởi bất đồng quan điểm.
Tại đại hội, ông Đỗ Văn Bình (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng phát triển đô thị và KCN Sông Đà), nguyên chủ tịch LĐBSVN khóa 6, ứng viên duy nhất tham gia tranh cử chủ tịch khóa 7, đã tái đắc cử.
Đại hội cũng bầu 51 thành viên ban chấp hành, 16 thành viên ban thường vụ, trong đó có 8 phó chủ tịch. Bà Huỳnh Thị Phương Loan (phó giám đốc Trung tâm thể thao Hoa Lư, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký LĐBS TP.HCM), được bổ nhiệm giữ chức danh tổng thư ký LĐBSVN.
Trước đó tại đại hội 6, LĐBSVN chỉ có 36 thành viên ban chấp hành, 13 thành viên ban thường vụ, 1 chủ tịch và 6 phó chủ tịch. Hiện Ủy ban Olympic Việt Nam chỉ có 39 thành viên ban chấp hành, 13 thành viên ban thường vụ, 5 phó chủ tịch.
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết với quy mô như hiện nay, LĐBSVN là liên đoàn có cơ cấu lãnh đạo đông nhất cả nước.
Xạ thủ lại... tập chay
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-6, một nhà vô địch SEA Games 31 môn bắn súng nói: "Sau SEA Games 31, chúng tôi lại bước vào quá trình tập "chay" không có đạn.
Mỗi buổi sáng, tôi và các đồng đội tập "chay" với súng, chủ yếu nâng lên đặt xuống để không quên kỹ thuật, buổi chiều đi tập thể lực.
Với tình trạng thiếu đạn tập thế này thì muốn nâng cao thành tích, giành vé đến Olympic cũng là giấc mơ chứ chưa nói đến việc giành huy chương.
Chúng tôi rất mong LĐBSVN với lực lượng lãnh đạo đông chưa từng có này có thể giúp Nhà nước có thêm nguồn lực đầu tư cho các VĐV, chỉ cần có đủ đạn để tập, có tiền đi tham dự nhiều giải đấu quốc tế đã là mừng lắm rồi".
Theo báo cáo tài chính của nhiệm kỳ 6 (2016-2022), LĐBSVN chỉ thu được 4,37 tỉ đồng tiền tài trợ. Tính trung bình, mỗi năm LĐBSVN thu được khoảng 700 triệu đồng tiền tài trợ.
Nhiệm kỳ 6 diễn ra ngay sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tạo lập kỳ tích giành 1 HCV, 1 HCB Olympic. Tuy nhiên những người làm bắn súng VN cũng không tận dụng được đòn bẩy này để thúc đẩy bắn súng VN phát triển.
Mục tiêu của bắn súng VN trong nhiệm kỳ 7 là giữ vững vị trí trong top 3 Đông Nam Á, có 2 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic Paris 2024.
Tại đại hội, ông Trần Đức Phấn đề nghị ban lãnh đạo hùng hậu của LĐBSVN phải họp để cụ thể hóa mục tiêu chuyên môn cho bắn súng trong 5 năm tới.
Với đội ngũ đông chưa từng có, rất mong liên đoàn có thể hỗ trợ và phối hợp tốt hơn nữa cùng ngành thể thao phát triển bắn súng VN. Trong 4 môn thể thao trọng điểm của thể thao VN, bắn súng đứng vị trí số 1.
Sản xuất đạn đĩa bay, đạn hơi trong nước
Liên đoàn bắn súng Việt Nam cho biết đã phối hợp với Nhà máy quốc phòng Z113 nghiên cứu, sản xuất đạn thể thao nội địa, bao gồm đạn đĩa bay và đạn súng hơi. Bước đi đột phá này hy vọng sẽ giúp bắn súng VN giải quyết một phần khó khăn về việc thiếu đạn trong tập luyện của VĐV.
Tại Olympic Rio 2016, bắn súng đã tạo nên kỳ tích khi giành 2 vé đến Olympic là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường. Trong đó, Hoàng Xuân Vinh đã mang về 1 HCV, 1 HCB. Nhưng tại Olympic Tokyo 2020, bắn súng VN không có VĐV nào giành vé chính thức đến Olympic. Nếu không có sự đầu tư, cách làm quyết liệt thì mục tiêu giành 2 vé đến Olympic 2024 của bắn súng VN không hề đơn giản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận