
Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: C.TUỆ
Theo dự thảo nghị định của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ cấu tổ chức bộ này có 30 đầu mối trực thuộc và 45 nhiệm vụ, quyền hạn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có vị trí, chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại nghị định số 123-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ (được sửa đổi bổ sung tại nghị định số 101-2020 và nghị định số 83-2024 của Chính phủ).
Nghị định cũng nêu rõ 45 nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có 30 đầu mối trực thuộc, trong đó 26 có đơn vị hành chính giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Chuyển đổi số; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi và Thú y; Cục Thủy sản và Kiểm ngư; Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường;
Cục Quản lý đất đai; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Khí tượng thủy văn; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Viễn thám quốc gia.
Bốn đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường gồm Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Môi trường, báo Nông Nghiệp và Môi Trường, tạp chí Nông Nghiệp và Môi Trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 12 đến 19-2), Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trong đó, thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho hai bộ này và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới để bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 1-3.
Theo kế hoạch, trụ sở chính Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay (số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận