23/04/2019 14:07 GMT+7

Nhiễm trùng sơ sinh

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Hầu như đa số các em bé chào đời khỏe mạnh, nhưng đôi khi điều kiện phát triển của một số trẻ sơ sinh đòi hỏi những xét nghiệm y học và điều trị.

Nhiễm trùng sơ sinh - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh liên cầu tan máu nhóm B điều trị tại NICU. Ảnh: gbss.org.uk

Trẻ sơ sinh đặc biệt nhạy cảm với một số bệnh nhất định, hơn rất nhiều so với các trẻ lớn và người trưởng thành. Hệ miễn dịch non nớt của trẻ chưa phát triển đầy đủ để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, và ký sinh trùng.

Vì vậy, khi trẻ bị bệnh, trẻ cần nhập viện, thậm chí là NICU (Neonatal Intensive Care Unit – đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh) để hồi phục. Mặc dù rất khó khăn khi thấy trẻ nhập viện, nhưng nằm viện thường là cách tốt nhất để phục hồi sức khỏe cho trẻ.

Dấu hiệu cần tìm

Các tình trạng nhiễm trùng thường đưa đến các triệu chứng tương tự nhau. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe khẩn cấp nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng:

- Bú kém.

- Khó thở.

- Thờ ơ, giảm chú ý.

- Giảm hay tăng thân nhiệt.

- Phát ban bất thường hay thay đổi màu da.

- Khóc dai dẳng.

- Cáu gắt bất thường.

Có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của bé, chẳng hạn đột nhiên ngủ li bì hoặc không ngủ được, đó cũng có thể là những chỉ dấu bất thường.

Các dấu hiệu này đáng lo ngại hơn nếu bé nhỏ hơn 2 tháng tuổi. Để đảm bảo sức khỏe tốt cho bé, hãy cho bé đến khám bác sĩ ngay khi bạn nghi ngờ có vấn đề.

Bệnh liên cầu tan máu nhóm B (Group B Streptococcal Disease – GBS)

GBS là gì?

Liên cầu tan máu nhóm B là một dạng phổ biến của chủng vi khuẩn gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Một số loại phổ biến là nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm màng não. Trẻ thường được truyền vi khuẩn từ mẹ trong quá trình sinh – nhiều phụ nữ mang vi khuẩn này ở trực tràng hoặc âm đạo, nơi mà vi khuẩn rất dễ lây sang trẻ nếu mẹ không được điều trị kháng sinh.

Trẻ nhiễm GBS thường biểu hiện triệu chứng nhiễm trùng trong tuần đầu sau sinh, hoặc một số phát triển triệu chứng vào nhiều tuần hay nhiều tháng sau. Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng (Ví dụ: Viêm phổi hay nhiễm trùng huyết), triệu chứng có thể bao gồm vấn đề về hô hấp hay cho bú, tăng thân nhiệt, bơ phờ hoặc cáu kỉnh bất thường.

Chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, và nếu cần có thể làm thêm xét nghiệm dịch não tủy để tìm vi khuẩn. Bác sĩ sử dụng kim để lấy mẫu máu và một kim để chọc dò tủy sống lấy dịch não tủy. Nước tiểu thường được lấy bằng cách thông một catheter vào niệu đạo. Nhiễm trùng do GBS được điều trị bằng kháng sinh, đồng thời cần chăm sóc cẩn thận và theo dõi tại bệnh viện.

Nhiễm khuẩn listeria (Listeriosis)

Nhiễm listeria là gì?

Nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes có thể dẫn đến các bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Hầu hết mọi người nhiễm phải loại vi khuẩn này do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm vì loại vi khuẩn này được tìm thấy ở trong đất và nước và có thể lây nhiễm vào trái cây, rau củ, thậm chí trong những thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt và các sản phẩm từ sữa. Thức ăn không được làm sạch đúng cách, tiệt trùng hay nấu chín sẽ có thể dẫn đến nhiễm khuẩn listeria.

Trẻ có thể bị lây nhiễm từ mẹ nếu mẹ bị nhiễm khuẩn khi đang mang thai. Trong một vài trường hợp, nhiễm khuẩn listeria có thể dẫn đến sinh non hoặc thậm chí sẩy thai lưu. Trẻ sinh ra bị nhiễm listeria có thể biểu hiện các dấu hiệu giống với trẻ mắc GBS.

Chẩn đoán và điều trị

Xét nghiệm máu hoặc dịch não tủy có thể cho biết sự hiện diện của vi khuẩn, và trẻ mắc bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh tại bệnh viện.

E. Coli

E. Coli là gì?

Escherichia coli (E. coli) là một thủ phạm khác gây ra nhiễm trùng sơ sinh, và có thể dẫn đến các bệnh: Nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và viêm phổi. Mọi người đều mang khuẩn E. coli trong cơ thể, và trẻ có thể bị nhiễm trùng trong quá trình sinh qua ngả âm đạo, hoặc do tiếp xúc với vi khuẩn ở bệnh viện hay tại nhà. Hầu hết những trẻ mắc phải E. coli có hệ thống miễn dịch đặc biệt mong manh khiến trẻ rất dễ bị mắc bệnh.

Giống như các loại nhiễm khuẩn khác, các triệu chứng tùy thuộc vào E. coli gây ra loại nhiễm khuẩn nào, nhưng sốt, quấy khóc bất thường, thờ ơ giảm chú ý hoặc chán ăn là những triệu chứng phổ biến.

Chẩn đoán và và điều trị

Bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn E. coli bằng các xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch não tủy và điều trị bằng kháng sinh.

Viêm màng não

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là tình trạng viêm nhiễm của lớp màng bao quanh não và tủy sống, có thể được gây ra do virus, nấm và vi khuẩn, bao gồm listeria, GBS và E. coli. Trẻ có thể mắc phải những tác nhân gây bệnh này trong lúc sinh hoặc từ môi trường xung quanh, đặc biệt nếu trẻ có hệ miễn dịch yếu ớt thì sẽ khiến trẻ nhạy cảm hơn.

Triệu chứng nhiễm trùng ở trẻ không thật đặc hiệu, có thể bao gồm khóc dai dẳng, khó chịu, ngủ nhiều hơn bình thường, hôn mê, bỏ bú, nhiệt độ thấp hoặc dao động, vàng da, tím tái, khó thở, phát ban, nôn ói hay tiêu chảy. Khi bệnh tiến triển, ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ có thóp mềm có thể có dấu hiệu thóp phồng.

Chẩn đoán và điều trị

Bệnh viêm màng não đặc biệt là viêm màng não do vi khuẩn, là một nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh. Nếu nghi ngờ trẻ mắc viêm màng não bác sĩ sẽ chọc dò tủy sống để xác định.

Việc điều trị viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ bị mắc viêm màng não do vi khuẩn và nấm sẽ được chỉ định dùng kháng sinh, trong trường hợp viêm màng não do virus có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Tất cả các trẻ mắc bệnh đều được giữ lại bệnh viện để theo dõi và chăm sóc hỗ trợ chuyên sâu.

Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm trùng huyết là bệnh nhiễm trùng quan trọng có liên quan đến sự lây lan của vi trùng gây bệnh trong máu và các mô của cơ thể. Nguyên nhân có thể là virus, nấm, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn. Một số các tác nhân gây bệnh được sinh ra trong thời gian sinh, một số khác được sinh ra từ môi trường. Cũng như viêm màng não, các triệu chứng của nhiễm trùng huyết không đặc hiệu. Chậm nhịp tim, khó thở, vàng da, bú khó, thân nhiệt thấp hoặc không ổn định, thờ ơ có thể là triệu chứng của bệnh.

Chẩn đoán và điều trị

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ lấy máu và đôi khi kiểm tra dịch não tủy và các dịch cơ thể khác để tìm vi khuẩn hoặc các mầm bệnh. Thường thì các xét nghiệm để chẩn đoán viêm màng não và nhiễm trùng huyết sẽ được làm cùng lúc. Nếu kết quả là dương tính với bệnh, các trẻ sẽ ở lại bệnh viện để điều trị bằng kháng sinh.

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc là gì?

Một số trẻ sơ sinh xuất hiện tình trạng có lớp màng bao bọc tròng mắt (hoặc kết mạc), được gọi là viêm màng kết hoặc đau mắt đỏ, mắt bệnh nhi sẽ đỏ và sưng lên, thường đi kèm với chảy mủ. Nguyên nhân căn bệnh có thể do nhiễm trùng vi khuẩn và virus ở trẻ sơ sinh.

Chẩn đoán và điều trị

Các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm dựa trên mẫu dịch được lấy từ mắt bệnh nhi để xác định nguyên nhân nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có thể được dùng trong việc điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Đây là một căn bệnh khá dễ lây nhiễm, cho nên bệnh nhi sẽ được khuyên tránh tiếp xúc với các trẻ khác để tránh lây bệnh. Bệnh nhi có thể được nhập viện nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Nhiễm Candidia

Nhiễm Candidia là gì?

Đó là sự phát triển quá mức của một loại nấm có tên candida trên cơ thể người bệnh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do nấm. Ở trẻ nhỏ, bệnh thường được gọi dưới cái tên phát ban tã, nhưng đôi khi bệnh cũng xuất hiện ở trong miệng và cổ họng bệnh nhi. Bệnh sẽ gây ra các vết nứt ở khóe miệng, những đốm trắng trên lưỡi, vòm miệng, môi và bên trong má. Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm nấm từ âm đạo người mẹ trong quá trình sinh hoặc trong quá trình cho con bú.

Chẩn đoán và điều trị

Các bác sĩ thường dùng một miếng gạc để quét trong vòm miệng bệnh nhi từ đó làm các xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của nấm. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, bệnh được xác định nhờ vào các tổn thương ở miệng chứ không cần thông qua các xét nghiệm. Bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Nhiễm trùng bẩm sinh

Nhiễm trùng bẩm sinh là gì?

Nhiều bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến trẻ qua đường mẹ truyền sang con trong quá trình mang thai hoặc sinh nở của người mẹ. Do các bệnh nhiễm trùng đó sinh ra cùng với trẻ nên thường được gọi với cái tên nhiễm trùng bẩm sinh. Nguyên nhân chủ yếu của các bệnh này là virus và ký sinh trùng.

Các loại nhiễm trùng bẩm sinh bao gồm: HIV (gây ra AIDS); rubella; thủy đậu; giang mai; herpes; toxoplasma và cytomegalovirus (CMV), các nhiễm trùng bẩm sinh khá thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu của việc điếc bẩm sinh. Một số các bệnh nhiễm trùng như nhiễm GBS và listeria có thể nhiễm phải từ mẹ hoặc từ môi trường sau sinh.

Các trẻ thường mắc bệnh nhiễm trùng bẩm sinh nếu các bà mẹ bị nhiễm các mầm bệnh trong quá trình mang thai. Tuy nhiên việc truyền từ mẹ sang con không phải lúc nào cũng diễn ra, rất nhiều trẻ sinh khỏe mạnh mặc dù mẹ chúng mang các bệnh nhiễm trùng. Một số khác không thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh ở thời gian đầu, nhưng sau đó có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Nguy cơ các trẻ mắc bệnh thường phụ thuộc vào thời điểm người mẹ tiếp xúc với các mầm bệnh. Với các bệnh như nhiễm toxoplasma và rubella, nguy cơ cao nhất nằm ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong khoảng thời gian đó, nguy cơ cao trẻ được sinh ra sẽ mang các vấn đề như bệnh tim, tổn thương não, điếc, suy giảm thị lực hoặc thậm chí sẩy thai. Nếu mắc bệnh ở khoảng thời gian còn lại của thai kỳ có thể dẫn đến các ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn như các vấn đề về tăng trưởng hay phát triển của trẻ sơ sinh.

Một số dấu hiệu sớm của nhiễm trùng bẩm sinh như đầu quá lớn hoặc quá nhỏ, kích thước cơ thể nhỏ, động kinh, các vấn đề về mắt, phát ban, vàng da, cơ quan vùng bụng to, tiếng tim bất thường.

Chẩn đoán và điều trị

Nếu nghi nhờ bệnh nhi mắc phải nhiễm trùng bẩm sinh các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu và các dịch cơ thể khác từ trẻ hoặc người mẹ để xác định bệnh. Việc điều trị thường bao gồm thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh dùng cho các bệnh nhi lớn tuổi, bên cạnh đó trẻ sẽ được chăm sóc hỗ trợ ở cơ sở điều trị.

Các biến chứng của nhiễm trùng sơ sinh

Các nhiễm trùng sơ sinh không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì trong giai đoạn này các cơ quan của trẻ đang phát triển rất nhanh, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể dẫn đến biến chứng bao gồm khả năng tăng trưởng, phát triển về thần kinh, tim mạch, hô hấp, và các vấn đề về giác quan khác. Trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.

Với hệ thống miễn dịch còn yếu ớt của trẻ nhỏ, chúng không đủ sức ứng phó với nhiễm trùng. Trẻ sinh non hoặc suy giảm miễn dịch có nguy cơ lớn mắc phải các bệnh nhiễm trùng mà đối với trẻ bình thường đó không là vấn đề. Chẩn đoán sớm, điều trị nhanh chóng và được chăm sóc, theo dõi thường xuyên là cách tốt nhất để điều trị cho trẻ.

Nhiễm trùng sơ sinh có thể được ngăn chặn không?

Nếu người mẹ trong quá trình mang thai được chẩn đoán mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh để ngăn ngừa các nguy cơ cho em bé. Bởi vì các bệnh nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc cho người mẹ khi mang thai, việc xét nghiệm cho mẹ trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng.

Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm máu hoặc các dịch cơ thể có thể xác định được bệnh trên phụ nữ có thai. Đối với phụ nữ mắc phải listeria, các liều thuốc kháng sinh sẽ ngăn được bệnh lây qua cho thai nhi. Người bị nhiễm HIV nên dùng thuốc kháng virus trong thai kỳ để giảm nguy cơ truyền bệnh sang cho em bé.

Các bệnh nhiễm trùng sơ sinh khác nên được phòng tránh từ chính những bà mẹ tương lai. Họ cần được phòng ngừa các căn bệnh có thể lây cho em bé sau này.

Phụ nữ có thể bảo vệ chính mình và thai nhi bằng cách:

- Đảm bảo mình đã được tiêm phòng Rubella và bệnh thủy đậu trước khi mang thai.

- Rửa kỹ thức ăn, thường xuyên rửa tay (đặc biệt là trước và sau khi nấu ăn, sử dụng nhà vệ sinh và sau khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể và các chất thải) và tránh tiếp xúc với mèo và phân động vật khác để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng như bệnh listeria và toxoplasma.

- Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể dẫn đến nhiễm trùng bẩm sinh.

Thông thường các sản phụ phải áp dụng một số các biện pháp phòng ngừa trong thai kỳ và sinh nở. Nhiều bác sĩ khuyên rằng phụ nữ có thai nên xét nghiệm vào cuối thai kỳ để kiểm tra xem có mắc phải GBS không. Nếu sản phụ mắc phải bệnh GBS thì sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc kháng sinh trong thời gian mang thai để giảm các nguy cơ truyền bệnh sang con. Các bác sĩ cũng thường xuyên nhỏ thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ vào mắt trẻ sơ sinh để ngăn chặn viêm kết mạc do vi khuẩn gây bệnh lậu.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên