Phóng to |
Nhiễm trùng máu có thể xảy ra sớm nhưng cũng có thể xảy ra muộn từ một đến hai tuần sau khi sinh. Trẻ mới sinh dễ nhiễm trùng vì trong lúc sinh nếu không thực hiện đỡ đẻ sạch (bàn tay người đỡ sạch, dụng cụ sạch, nơi đẻ sạch...) thì vi trùng đi qua da, dây rốn và vào máu, lan tràn khắp cơ thể, trong đó có não, gây viêm não - màng não, rất dễ để lại di chứng kể cả khi đã được điều trị tích cực.
Dấu hiệu nhiễm trùng ở trẻ mới sinh khác với dấu hiệu nhiễm trùng ở những trẻ lớn, đó có thể là: Buồn ngủ hoặc ngủ li bì; sốt cao trên 38 độ C hoặc hạ nhiệt độ dưới 35 độ C; vàng da; tím tái hoặc xám; da xanh (do thiếu máu); suy hô hấp làm cho trẻ thở thanh hoặc chậm; rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, bụng trướng căng); gan, lách to. Trong trường hợp nặng, bệnh nhi có thể bị suy thận cấp và tiểu ít.
Nếu chỉ có một trong các dấu hiệu trên thì có thể do một nguyên nhân khác chứ không phải nhiễm trùng máu, nhưng nếu có nhiều dấu hiệu trên cùng lúc thì thường là nhiễm trùng máu.
Tùy loại vi khuẩn xâm nhập vào máu mà trẻ có các biểu hiện lâm sàng sớm hoặc muộn khác nhau, tiên lượng bệnh và thời gian sử dụng kháng sinh cũng khác nhau. Chẳng hạn, nếu máu nhiễm liên cầu nhóm B thì triệu chứng xuất hiện sau khi sinh 3-4 giờ, nếu muộn cũng chỉ 1-2 tuần với những biểu hiện của bệnh viêm phổi, viêm màng mão mủ (ngừng thở, huyết áp hạ...). Nếu bệnh do tụ cầu (ít gặp hơn) thì thường nặng và có biểu hiện ở xương và da (viêm da nhiễm trùng).
Để việc điều trị đạt kết quả cao, nhất thiết phải làm kháng sinh đồ để tìm loại thuốc đặc trị với loại vi trùng gây bệnh. Trường hợp nhiễm trùng máu có kèm theo viêm màng não mủ thì thời gian dùng kháng sinh đặc trị phải kéo dài ít nhất 3 tuần. Ngoài ra, phải điều trị tích cực các triệu chứng đi kèm như tình trạng mất nước, co giật do trẻ nôn nhiều.
Nhiễm trùng máu ở trẻ liên quan nhiều đến bà mẹ trong thời kỳ mang thai, điều kiện và môi trường nuôi dưỡng trẻ, thời gian chuyển dạ, thời gian vỡ ối, tình trạng can thiệp trong lúc sinh... Vì vậy, mỗi bà mẹ cần nâng cao kiến thức về chăm sóc thai nghén, khám thai định kỳ; nếu có viêm nhiễm âm đạo (hoặc bệnh lây qua đường tình dục...) thì phải được chữa trị triệt để. Khi đẻ, phải đến cơ sở y tế để được nữ hộ sinh theo dõi và đỡ. Dụng cụ đỡ phải tiệt trùng, bàn tay người đỡ phải được rửa sạch bằng nước chín, đi găng vô trùng. Nếu thai phụ vỡ ối sớm, phải dùng ngay kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn.
Khi chăm sóc trẻ, phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh làm lây lan và tái nhiễm cho trẻ; dùng tã lót, áo mũ sạch sẽ vô trùng. Đặc biệt khi thấy trẻ có triệu chứng nêu trên, cần đưa đến bệnh viện ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận