Nhiễm trùng niệu hay nhiễm trùng đường tiểu là bệnh nhiễm trùng thường gặp, là sự đáp ứng viêm của niệu mạc đối với sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến và nhân lên tại nơi này, thường đi kèm với sự hiện diện của vi khuẩn và tế bào mủ trong nước tiểu.
Thuật ngữ nhiễm trùng đường tiểu bao gồm: viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt (ở nam giới), viêm đài bể thận, viêm thận, áp xe thận…
Nguyên nhân: do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua đường niệu đạo ngược dòng lên trên và qua đường máu.
Những dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu: triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi và vị trí nhiễm trùng trên đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiểu dưới ở người lớn
Viêm bàng quang cấp: thường gặp nữ giới
- Đau hạ vị, đau trên xương mu.
- Đôi khi tiểu máu.
- Nước tiểu đục, hôi.
- Tiểu đau, gắt buốt.
- Tiểu khó mặc dù rất muốn tiểu.
- Tiểu nhiều lần.
- Sốt ít xảy ra.
- Cảm giác toàn thân không được khỏe.
- Giao hợp đau.
Viêm niệu đạo cấp: lậu cầu (Neisseria Gonohorrea), vi khuẩn khác (Chlamydia Trachomatis, Trichomonas vaginalis, Virus Herpes simplex) thường lây lan sau giao hợp.
- Tiểu đau nóng rát bỏng.
- Chảy mủ, tiết dịch miệng sáo “giọt sương ban mai”.
Viêm tuyến tiền liệt: thường xảy ra ở nam giới lớn tuổi
- Sốt lạnh run, đau vùng tầng sinh môn - trực tràng.
- Tiểu nhiểu lần.
- Tiểu gắt, tiểu gấp.
- Có thể bí tiểu.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu trên ở người lớn
- Ớn lạnh.
- Sốt cao.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Đau vùng hông lưng.
Hậu quả
Nhiễm trùng đường tiểu kéo dài có thể gây các biến chứng:
- Viêm thận bể thận cấp-mạn.
- Viêm bàng quang mạn.
- Áp xe quanh thận.
- Nhiễm trùng huyết.
- Suy thận cấp.
- Trẻ em có trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận, nhanh chóng đưa đến suy thận mạn.
- Phụ nữ có thai bị nhiễm trùng đường tiểu có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh...
Phòng ngừa
- Biện pháp chung nhất là gìn giữ vệ sinh cá nhân thật tốt.
- Vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi giao hợp.
- Thay tã cho trẻ ngay sau khi dính phân.
- Uống nhiều nước nhằm tăng lượng nước tiểu để tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu.
- Không được nhịn tiểu (trừ trường hợp có lời khuyên của bác sĩ).
- Tắm vòi hoa sen chứ không nên tắm bồn tắm.
- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
- Cần tập cho các bé gái thói quen lau hậu môn từ trước ra sau khi làm vệ sinh sau đại tiện, tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn vào lỗ niệu đạo.
- Vitamin C cũng có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
- Nếu phụ nữ đang độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh bớt các tư thế gây tác động nhiều đến lỗ niệu đạo. Tình dục an toàn, chung thủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận