Nhiễm trùng da ở trẻ em

PHÚC LƯU (HÓC MÔN, TP.HCM) 15/11/2011 23:11 GMT+7

TTCT - Con tôi bị nhọt ở chân, rồi nổi ngứa toàn thân, có người nói bị viêm da. Xin bác sĩ cho biết thế nào là viêm da?

Phóng to

Nhọt tụ mủ cần rạch thoát - Ảnh: T.A.M.

Nhiễm trùng da có thể gây thương tổn da ở nông hay sâu hay chỉ khu trú ở một bộ phận của da như nang lông, tuyến mồ hôi. Nhiễm trùng da do các vi trùng thông thường còn gọi là viêm da mủ. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, nhưng đa số trường hợp là có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn.

Bệnh thường gặp, dễ chủ quan

Nhọt là tình trạng viêm sâu quanh nang lông, bắt đầu bằng một cục sưng cứng, đau, sờ nóng; sau vài ngày thường dẫn đến nung mủ với một ngòi màu vàng và hoại tử ở trung tâm. Nhọt rất thường gặp và có thể xuất hiện trên bất cứ vùng nang lông nào của cơ thể, tuy nhiên vị trí thường gặp nhất là mặt, cổ và mông, đặc biệt ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc nước hay ẩm ướt. Nhọt ở mũi và môi trên có thể gây các bệnh nhiễm khuẩn ác tính đưa đến biến chứng như tắc nghẽn các xoang vùng mặt hay viêm màng não rất nguy hiểm.

Các trẻ đang điều trị bệnh lý mãn tính như tiểu đường, suy thận, suy dinh dưỡng; các trẻ ra mồ hôi nhiều, vệ sinh da kém là đối tượng dễ bị nhọt.

Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, rất lây, phần lớn trường hợp gặp ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là các trẻ giữ vệ sinh không sạch sẽ, thiếu dinh dưỡng. Biểu hiện của bệnh là các mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh. Các mụn nước này nhanh chóng trở thành mụn mủ rồi bể và khô đi, đóng mày vàng với viền mủ rất đặc trưng.

Bệnh thường xuất hiện ở phần hở nhiều hơn nhưng vị trí thường gặp là ở mặt. Ở da đầu, chốc có thể tăng tiết làm tóc bết lại rất khó chịu cho trẻ. Nếu phát hiện và điều trị tích cực thì bệnh khỏi, ít tái phát và biến chứng. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì bệnh có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp tính, chàm hóa…

Viêm kẽ là bệnh thường gặp vào mùa nóng ẩm ở những trẻ béo phì và trẻ còn bú. Biểu hiện là các dát màu đỏ hoặc hồng có giới hạn tương đối rõ, có thể nứt, rỉ dịch kèm theo làm bé rất ngứa. Vị trí thường gặp là ở sau tai, nếp cổ, nếp khuỷu, kẽ ngón tay, nếp dưới vúm bẹn, quanh hậu môn... Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn nhưng cũng có thể là hậu quả của sự cọ xát liên tục do mặc tã quá chật cộng thêm sức nóng và sự ẩm ướt của thời tiết tạo ra.

Viêm nang lông nhiễm trùng là tình trạng viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm. Bệnh xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện của bệnh là những mụn mủ, mụn sẩn hoặc mụn mủ - sẩn ở bề mặt da, xung quanh có quầng viêm đỏ và có thể thấy có sợi lông xuyên qua.

Đối với các viêm nang lông nông, viêm cổ nang lông thì sau khi lành không để lại sẹo, nhưng đối với các viêm nang lông sâu thì khi khỏi có thể tạo thành sẹo lồi hay sẹo teo da, rụng tóc.

Viêm mô tế bào là một tình trạng viêm lan tỏa, cấp tính của tổ chức liên kết da và tổ chức dưới da của cơ thể gây đau, viêm tấy đỏ, phù nề ở vùng da bị tổn thương, thường kèm theo sốt và lạnh run rất khó chịu. Viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh thường do các vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu xâm nhập qua da qua các vết sây sát, vết cắt hay từ các viêm nhiễm từ răng và nướu răng.

Viêm mô tế bào có thể ở mức độ nhẹ kéo dài vài ngày, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh vào máu gây nhiễm trùng huyết, tạo ổ áp xe, viêm màng não... Điều kiện thuận lợi dễ gây viêm mô tế bào là trẻ có các bệnh lý mãn tính như suy thận, tiểu đường, viêm đa khớp...

Điều trị

Đối với các bệnh loại này có thể dùng thuốc tím pha loãng 1/10.000 hay dung dịch Eosin hay Milian để làm vệ sinh quanh chỗ đau, dùng Fucdin, Bactroban thoa… Nên vệ sinh sạch sẽ. Với bệnh viêm kẽ, tránh ngâm tay, chân lâu trong nước, nhất là nước không sạch. Nhọt có thể tự vỡ hoặc đưa bé đến trung tâm y tế để rạch nhọt nhằm thoát mủ và các dịch tiết ra ngoài, không cố nặn nhọt vì có thể làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng ra da lành xung quanh.

Khi nhọt mọc nhiều nơi đồng thời kèm theo sốt, đỏ da, khó chịu, bỏ ăn uống, tiểu ít là các dấu hiệu báo bệnh nặng cần khám gấp tại bệnh viện. Với chốc, nếu bệnh lan rộng kèm sốt và có nguy cơ xảy ra biến chứng thì nên cho trẻ khám và nhập viện điều trị.

Với bệnh viêm nang lông, không được cố nặn lấy hết mụn mủ mà nên giữ vệ sinh, tắm bé mỗi ngày và chấm dung dịch cồn iod 5% hoặc dung dịch Betadine hay các thuốc mỡ chứa kháng sinh tác dụng tại chỗ như Fucdin, Bactroban lên các mụn mủ để làm khô dần mụn.

Bệnh trở nặng phải đưa vào bệnh viện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận