Phóng to |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Ảnh: Quang Định |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về cách nhìn nhận mới này, bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành viên tiểu ban nhi Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM - nói:
- Nếu so với một số bệnh truyền nhiễm khác như lao, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, cúm A... thì HIV là bệnh khó lây nhất.
Cụ thể, mức độ lây nhiễm viêm gan siêu vi B gấp 100 lần HIV, viêm gan siêu vi C lây gấp 10 lần, còn bệnh lao lây rất dữ.
Thậm chí có những người bị viêm gan siêu vi B và C gần như không chữa được nhưng tỉ lệ người HIV không chữa được gần như không có, bởi bệnh này có rất nhiều thuốc, phác đồ điều trị mới giúp người bệnh (nếu tiếp cận điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt, có lối sống lành mạnh) duy trì cuộc sống khỏe mạnh 20-30 năm là bình thường.
Nếu hiểu biết về HIV thì khó có thể bị lây nhiễm. Ngoài ra, khi người bệnh được uống thuốc sớm, họ gần như là người bình thường nên khả năng người nhiễm HIV lây cho người khác có thể là con số không.
Do vậy, nếu chẳng may bị nhiễm HIV, người bệnh không nên quá bi quan và tự kỳ thị mình.
Như bệnh mãn tính Bệnh mãn tính được xem là “sống chung” với người bệnh suốt đời và bệnh không thể làm được gì người bệnh nếu họ tuân thủ điều trị tốt, có lối sống lành mạnh. Việc xem HIV như là một bệnh mãn tính thứ nhất là do công tác điều trị, dinh dưỡng cho người nhiễm HIV hiện nay rất tốt. Tại VN có đầy đủ các loại thuốc điều trị, trình độ, kỹ năng của đội ngũ chuyên môn cũng rất tốt. Thứ hai là người nhiễm HIV khi mới nhiễm rất suy sụp nhưng khi được điều trị hồi phục sức khỏe, được tham vấn tốt thì đa số họ sống có ý nghĩa hơn nhiều so với trước khi bị nhiễm HIV. |
* Thưa bác sĩ, người nhiễm HIV khó tránh khỏi sự kỳ thị của cộng đồng và vì sao vẫn còn sự kỳ thị này?
- Kỳ thị là không đúng bởi hai lẽ: rất nhiều người bị nhiễm HIV là do gặp tai nạn trong sinh hoạt, cuộc sống hoặc trong quá trình làm việc; còn nếu cho rằng người nhiễm HIV sẽ lây cho mình là không đúng do đã biết người ta bị nhiễm HIV thì làm sao người ta lây cho mình được.
Thường với người không biết có bị nhiễm HIV hay không, chúng ta mới có nguy cơ bị lây do tâm lý chủ quan.
Nếu cứ nghĩ người nhiễm HIV đều là đối tượng tệ nạn xã hội, không phải do tai nạn gây ra thì sự kỳ thị sẽ còn tồn tại mãi.
* Xin bác sĩ cho biết tỉ lệ người bị nhiễm HIV do tai nạn chiếm bao nhiêu và thường do tai nạn gì?
- Từ lúc phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại VN năm 1990 cho tới nay, thái độ kỳ thị người nhiễm đã giảm khá nhiều do trước đây nhiều người đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội (tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm).
Nay mô hình bệnh tật của HIV đã thay đổi khá nhiều, HIV không chỉ xuất hiện ở nhóm người tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm mà xuất hiện ở cả những người bình thường.
Những người này không phải ăn chơi trác táng, nghiện hút chích nhưng vẫn bị nhiễm HIV. Người bị nhiễm HIV do tai nạn chiếm một tỉ lệ khá lớn, ước khoảng 30%.
Một số tai nạn có thể kể như người vợ bị nhiễm do ông chồng ra ngoài “vui chơi” rồi lây ngược cho vợ, người vợ sau đó mang thai lại lây cho con.
Những em bé này có làm gì đâu mà sinh ra đã bị nhiễm HIV như vậy. Ngoài ra, người nhiễm HIV có thể là nhân viên y tế bị tai nạn khi phẫu thuật hoặc tiêm chích cho người nhiễm HIV; cán bộ quản giáo, giáo dưỡng trong các trại giam, cơ sở xã hội cũng có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Kể cả người bình thường (nhất là ở những địa phương xa, nông thôn...), đi tiêm chích thông thường mà không bảo đảm an toàn cũng có nguy cơ bị nhiễm HIV.
* Thưa bác sĩ, bản thân người nhiễm HIV cũng tự kỳ thị mình. Điều này ảnh hưởng thế nào đến chính người nhiễm HIV?
- Trong chuyện kỳ thị, ngoài việc người khác nhìn vào người nhiễm HIV thế nào thì thái độ và cách nhìn nhận về HIV của bản thân người bệnh rất quan trọng.
Trước kia người nhiễm HIV tự kỳ thị, không dám công khai hoặc chia sẻ chuyện mình bị nhiễm cho người khác biết. Nhưng hiện một số người đã sẵn sàng đứng trên diễn đàn, nói trước công chúng về việc bị nhiễm HIV và chia sẻ những khó khăn khi bị kỳ thị, chia sẻ những thành công mà họ đạt được.
Tôi cho rằng người bị nhiễm HIV phải bớt tự kỳ thị. Nếu mình tự kỳ thị thì người khác sẽ kỳ thị mình là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, người nhiễm HIV cũng cần tự tìm hiểu xem nên chia sẻ ở mức độ nào, chia sẻ với ai, chia sẻ ở đâu và không thể đòi hỏi tất cả xã hội nhìn mình một cách không kỳ thị. Hiện có nhiều nhóm sinh hoạt đồng đẳng, nhóm chia sẻ, câu lạc bộ... sẵn sàng chia sẻ với người nhiễm HIV.
Nếu sống khép kín thì người nhiễm sẽ gặp khó khăn hơn trong chuyện sinh hoạt và càng khó vươn lên, thoát ra khỏi sự tự kỳ thị đó để giúp chính mình và người nhiễm giống mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận