Thời kỳ "bình thường mới" sau đợt dịch nghiêm trọng đã làm thị trường lao động có nhiều chuyển dịch - Ảnh: MẠNH DŨNG
Nhiều người đã nhảy việc thành công. Nhưng thực tế không ít người đã đối diện với khó khăn, thậm chí thất vọng nặng nề. Vì sao?
Hơn hai năm trước, Nguyễn Văn An (tên đã đổi) vẫn đang là giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất lớn ở một khu công nghiệp tại cửa ngõ Tây Nam TP.HCM.
Ở tuổi 48, anh gắn bó với công ty này suốt hơn 20 năm và dần lên được vị trí là một trong vài người được xem rằng "không thể thiếu" của công ty. Mỗi tháng, các khoản thu nhập của anh gần 100 triệu đồng, ôtô đưa đón tận nhà, chưa kể nắm số cổ phiếu qua các lần thưởng.
Những khó khăn không ngờ
Mọi việc đang thuận lợi với An thì cách đây ba năm, công ty thay tổng giám đốc điều hành. Người này cấu trúc lại công ty để "vươn lên tập đoàn hùng mạnh", còn một số người lại nói ông ta dựng lại êkip mới "phe mình".
An và một số người "từng rất quan trọng" dần bị điều chuyển công việc. Từ giám đốc kinh doanh trong nước, anh sang làm giám đốc kinh doanh quốc tế. Cấp bậc ngang nhau, thu nhập không giảm, nhưng An tâm tư vì phải rời công việc mình đã tâm huyết phát triển suốt hơn 10 năm. Đặc biệt là anh lại làm kinh doanh quốc tế ngay thời điểm bùng dịch COVID-19 năm 2020, thị trường xuất khẩu của công ty bị đình trệ, doanh số tụt giảm 70%.
Ấm ức suốt hơn nửa năm, cuối cùng An cũng xin nghỉ việc. Không chỉ vợ con mà cả chủ tịch hội đồng quản trị công ty cũng khuyên An nên cân nhắc kỹ, vì thu nhập của An đang rất ổn và anh vẫn đang thuộc ban giám đốc của công ty.
Gần 3 tháng dùng dằng, cuối cùng An vẫn quyết tâm nghỉ việc. Anh rất bực khi nghe lời ong tiếng ve "thằng An nghĩ mình công thần ở công ty nên làm nư". Nhưng trong vài lần nhậu, anh cũng buột miệng "thằng An tạo dựng được giá trị của mình ở công ty này thì cũng sẽ có giá trị ở công ty khác, thằng này nói được làm được".
Tuy nhiên, đến nay sau gần hai năm nghỉ việc, An vẫn ở nhà chở con đi học, chưa thể tìm được việc mới "có giá trị" như anh từng tuyên bố. Lý do dịch giã, nhiều công ty hạn chế tuyển người. Lý do thứ hai là vài nơi đã phỏng vấn An, nhưng họ không thể chấp nhận ngay những "đòi hỏi quá cao" khi anh "không chấp nhận mức thu nhập thấp hơn công ty cũ". Có nơi đề nghị mức lương khởi điểm 50 triệu đồng với anh, rồi tùy hiệu quả sẽ tính tiếp, nhưng An từ chối và đến giờ vẫn thất nghiệp...
Cùng rời công ty với An trong năm 2020 và 2021 có 9 người ở các vị trí trưởng, phó phòng, quản đốc, phó giám đốc, giám đốc, nhưng đến nay mới chỉ 6 người đi làm công ty khác, 3 người vẫn đang thất nghiệp. Tuy nhiên, trong 6 người đi làm thì chỉ có 4 người vui vẻ với công việc mới, 2 người chịu làm tạm thời để tính... nhảy việc tiếp.
Trong số 3 người đang thất nghiệp, trừ An có nhà cho thuê và còn giữ được ít cổ phiếu nên kinh tế tạm ổn, thì 2 người kia đều đang khó khăn. Trong đó có anh Trần Văn Thiên từng là quản đốc sản xuất với mức lương 60 triệu đồng, có xe công ty đưa đón riêng, nhưng giờ đang thất nghiệp và phải tạm đi làm sửa xe với thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng.
"Có hai công ty ở Bình Dương đã đề nghị trả lương khởi điểm 30 triệu đồng, nhưng tôi từ chối vì chưa bằng nửa thu nhập ở công ty cũ", Thiên cũng thừa nhận mình có kinh nghiệm làm việc và đã "làm tốt" ở công ty cũ nhưng không có bằng cấp sáng giá gì và đã 54 tuổi.
"Thấy anh em chơi chung nhóm nhảy việc, mình cũng nóng nảy đi theo. Nhưng giờ tôi thấy mình vội vã, không chuẩn bị kỹ lưỡng. Thật sự lúc này người thiếu bằng cấp và lớn tuổi như tôi tìm mức lương 60 triệu trở lên là không dễ chút nào", Thiên trải lòng.
Xu hướng lao động sẽ thay đổi
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), đợt dịch vừa rồi đã làm thay đổi nhận thức về việc làm, tập quán, cơ cấu, công việc.
"Nhiều người lao động về quê trong đợt dịch để sắp xếp việc nhà, nghỉ ngơi và tranh thủ ăn Tết. Năm nay có những người trở lại tiếp tục công việc cũ, nhưng cũng có không ít người muốn làm lại từ đầu vì 6 tháng qua quá khó khăn nên giờ trở lại khó thích ứng môi trường cũ", ông Lộc cho biết thêm đợt dịch vừa qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp cũ và người lao động đã ngưng khi người lao động về quê, và giờ khi họ quay trở lại thì sẽ tìm cơ hội mới.
Nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu nên một số vị trí việc làm cũ không còn, nảy sinh những vị trí mới và họ tìm những người phù hợp. Người lao động cũng muốn thay đổi môi trường, tìm cơ hội mới nên hai bên thỏa thuận với nhau.
"Đây là cơ hội cho các bên liên quan để làm mới lại. Tất nhiên vẫn còn một khoảng trống trong sự gặp gỡ giữa cung và cầu trong lao động, nhưng sẽ mau chóng thích ứng lại", ông chia sẻ.
"Xu hướng lao động sau dịch sẽ thay đổi hẳn chứ không chỉ tạm thời, bởi nó đã có tiền đề từ 6 tháng qua. Điều này tạo ra bức tranh đa dạng song cần một khoảng thời gian ngắn, ít nhất 3 tháng để định hình lại. Còn sau Tết mọi thứ đang giống như tái khởi động, sắp xếp lại nên các bên đang tìm điểm chung của nhau", ông Lộc cho hay.
Theo TS Đức Lộc, về mặt tích cực, nhảy việc thời COVID-19 có thể giúp chúng ta reset một tinh thần mới. Trước đây có thể qua một thời gian làm việc quá dài dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, nên việc thay đổi này tạo ra động lực mới mẻ hơn. Người lao động sẽ thích ứng với môi trường mới, làm mới lại mình.
Bên cạnh đó cũng có một vài điểm hạn chế. Một số người lao động sau thời gian dài đã quen làm việc online, giờ trở lại chính thức thì tính tương tác với đồng nghiệp và nhiều thứ bị ảnh hưởng, dẫn đến một số người không muốn trở lại làm việc chính thức nữa.
Các doanh nghiệp cũng tính toán trong cơ cấu số lượng giao kết lao động chính thức và số lượng chuyển sang thuê khoán dịch vụ, lúc đó nảy sinh ra việc đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và tính kỷ luật với bản thân người lao động sẽ cao hơn.
Nhảy việc có thể đem lại cơ hội mới tốt hơn, nhưng cũng chưa chắc như mơ...
Cân nhắc kỹ hai mặt của nhảy việc
"Kinh nghiệm chính tôi là nhảy việc có hai mặt: tích cực là sự thay đổi có thể tốt hơn như môi trường làm việc, thu nhập; nhưng cũng có thể gặp khó khăn là mất đi êkip, việc làm và đồng lương ổn định, tệ nhất là sớm vỡ mộng với nơi làm việc mới không được như hứa hẹn.
Nếu chưa bức bí tới mức phải nhảy việc ngay, người lao động nên bình tĩnh đánh giá lại toàn diện vấn đề. Tại sao phải đi? Nhảy việc sẽ hơn gì và có thể gặp khó gì? Trong khi nhiều người cho rằng thay đổi đem lại cơ hội mới, thì sự gắn bó với công ty cũ (nếu không tệ đến mức phải nhảy việc) cũng có rất nhiều cái lợi như đội ngũ đã hiểu biết nhau, công việc ổn định và triển vọng thăng tiến.
Hãy cân nhắc kỹ hai mặt này", anh Nguyễn Văn An cho biết trải nghiệm sau hai năm vẫn chưa có việc làm mới, và cho rằng "khi nhảy việc nên xem lại kỹ số dư tài khoản của mình, dự phòng cho trục trặc công việc mới".
Tìm được việc làm mới là mừng rồi!
Chị Linh vui vẻ vì đã nhảy việc thành công - Ảnh: DIỆU QUÍ
Không chỉ người có chuyên môn, các lao động phổ thông như vợ chồng chị Thùy Linh (25 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cũng hối hả nhảy việc sau một năm lao đao vì dịch.
Chị Linh từng là công nhân may mặc, còn chồng làm shipper, cả hai thất nghiệp và chật vật nuôi con suốt mùa dịch. Trước Tết, chị có xin vào một công ty làm bánh nhưng do đang mang thai, việc đòi hỏi mặc đồ bảo hộ kín mít, chị ngộp không chịu được, nên nghỉ chỉ sau một ngày đi làm.
"Chỗ mới này tui làm kiểm hàng, còn chồng làm máy cuốn silicon. Làm luân phiên một tuần ngày, một tuần đêm, bao cơm hai buổi. Nếu có tăng ca với làm đủ ngày công (từ 8h sáng đến 8h tối và ngược lại - PV), không nghỉ ngày nào thì lương gần 12 triệu đồng/tháng, chủ nhật làm lương nhân đôi", chị Linh cho biết mình may mắn nhảy việc thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận